Hội nghị cấp cao y tế thế giới về Covid-19

Theo Roi-tơ và TTXVN, Hội nghị cấp cao y tế thế giới lần thứ 12 theo hình thức trực tuyến đã khai mạc tại Béc-lin (Ðức) với chủ đề trọng tâm là dịch Covid-19, trong bối cảnh đại dịch đã khiến hơn 43 triệu người mắc và hơn 1,1 triệu người chết.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi các nước phát triển cần hỗ trợ y tế cho các nước nghèo hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 trong tương lai.

* Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo về một cuộc khủng hoảng người tị nạn mới do hậu quả của đại dịch. Tổng Thư ký OECD cho rằng các nước giàu cần giảm nợ nhiều hơn cho các nước nghèo, bởi nếu không sẽ có nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn hơn nhiều so với thời điểm 5 năm trước.

* Theo Worldometers.info, tính đến ngày 26-10, xét theo khu vực, Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 390 nghìn người chết trong tổng số gần 11 triệu ca nhiễm Covid-19; tiếp đó là châu Âu, châu Á, khu vực Trung Ðông, châu Phi. Xét trên tỷ lệ dân số, Pê-ru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

* Tại tâm dịch của châu Á là Ấn Ðộ, thủ đô Niu Ðê-li đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày gia tăng trong thời gian qua, sau khi giảm mạnh kể từ giữa tháng 9. Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Ðộ S.Ðát xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

* Chính phủ Hàn Quốc quyết định hỗ trợ khẩn cấp 200 triệu USD giúp Phi-li-pin, Cam-pu-chia và Băng-la-đét đối phó đại dịch. Hàn Quốc đang thảo luận để ký kết "bong bóng du lịch" với Hồng Công (Trung Quốc) và Xin-ga-po, cho phép khách du lịch không phải cách ly sau nhập cảnh.

* Tại Nhật Bản, các công ty vận tải chuẩn bị nối lại hoạt động du lịch nội địa bằng du thuyền sau một thời gian dài tạm ngừng. Tính riêng năm 2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản trên các du thuyền đã lên tới gần 2,15 triệu khách. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch bằng du thuyền ở nước này đã bị đình trệ sau sự bùng phát của dịch.

* Tại Ðông - Nam Á, Quốc vương Ma-lai-xi-a đã bác yêu cầu của Thủ tướng về tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Quốc vương tin tưởng khả năng của chính phủ trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

* Thời báo Viêng Chăn ngày 26-10 đưa tin Lào sẽ áp dụng thủ tục nhập cảnh nhanh với Trung Quốc, cho phép rút ngắn thời gian cách ly. Ban chỉ đạo quốc gia Lào về phòng, chống Covid-19 cho biết, trong tương lai, chính sách này cũng sẽ được áp dụng với công dân các nước gần đây không có sự bùng phát của dịch Covid-19.

* Bộ Quốc phòng I-xra-en tuyên bố kể từ ngày 1-11, I-xra-en bắt đầu các hoạt động thử nghiệm trên người đối với loại vắc-xin ngừa Covid-19. Viện Nghiên cứu Sinh học I-xra-en đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin này trên động vật từ hồi tháng 3.

* Thủ hiến bang Vích-to-ri-a của Ô-xtrây-li-a tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế tại thành phố Men-bơn từ ngày 28-10. Từ ngày 9-11, các hạn chế sẽ tiếp tục được dỡ bỏ, trong đó có quy định hạn chế đi lại trong bán kính 25 km, tuy nhiên quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn sẽ được duy trì.

* Tại châu Âu, tuy đã tăng cường nhiều biện pháp hạn chế xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng tại Pháp và Hung-ga-ri, số ca mắc mới trong 24 giờ qua đã tăng cao tới mức kỷ lục. Chính phủ Pháp đã mở rộng quy mô lệnh giới nghiêm ban đêm đối với các khu vực có khoảng 46 triệu người sinh sống.

* Hai tỉnh đông dân nhất Ca-na-đa đã phải chứng kiến những cột mốc không mong muốn trong ngày 26-10 khi số ca mắc mới tại On-ta-ri-ô lần đầu vượt ngưỡng 1.000 người, trong khi tổng số ca dương tính tại Kê-bếch ở mức hơn 100.000 người. Cơ quan Thống kê Ca-na-đa cho biết, lệnh phong tỏa khiến GDP năm nay giảm 28,2 tỷ USD và mất nửa triệu việc làm.