Hỗ trợ các nền kinh tế châu Á

Đại dịch Covid-19 lây lan nhanh, tác động tiêu cực nhiều nền kinh tế, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ nhiều nước đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất khẩu trang ở Incheon, Hàn Quốc. Ảnh Reuters
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất khẩu trang ở Incheon, Hàn Quốc. Ảnh Reuters

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cảnh báo, đại dịch Covid-19 có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế năm nay của các nước tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương giảm tốc đáng kể, theo đó hàng triệu người có nguy cơ rơi vào đói nghèo. Chuyên gia kinh tế WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương A.Mattoo nhận định, các nền kinh tế trong khu vực, vốn có vai trò then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu, đang bị ảnh hưởng xấu bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của WB, với kịch bản tươi sáng nhất là kinh tế bắt đầu phục hồi từ mùa hè năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giảm từ mức 5,8% của năm 2019 xuống 2,1% trong năm 2020. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, tác động tiêu cực của dịch bệnh kéo dài sang năm 2021, kinh tế khu vực này năm nay dự kiến giảm xuống -0,5%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997 - 1998. Khi đó, hơn 11 triệu người trong khu vực có nguy cơ rơi vào nghèo đói. Mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, năm 2020, nhiều nền kinh tế khu vực Đông - Nam Á sẽ chịu thiệt hại do dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Á đã tung ra các gói hỗ trợ khẩn cấp, nhằm giải cứu nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ Australia cam kết chi thêm 79,85 tỷ USD, trong đó tập trung trợ cấp tiền lương cho hơn sáu triệu người lao động. Trong khuôn khổ gói hỗ trợ kinh tế này, Chính phủ Australia dành khoản chi trả cố định 885 USD/hai tuần, trong thời gian sáu tháng, cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, thông qua hệ thống trả lương tại doanh nghiệp. Đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ ba của Chính phủ Australia, sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội đã được Quốc hội phê duyệt trước đó. Tại Singapore, Ngân hàng Trung ương nước này mới đây cũng nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh Singapore có nguy cơ đối mặt một đợt suy thoái sâu do đại dịch Covid-19. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore đã hạ tỷ giá tham chiếu, qua đó cho phép đồng nội tệ yếu hơn, nhằm hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Thương mại Singapore, trong ba tháng đầu năm nay, GDP của nước này giảm 2,2% so cùng kỳ năm 2019, mức giảm thấp nhất kể từ năm 2009. Malaysia cũng công bố gói kích cầu kinh tế trị giá 58,28 tỷ USD. Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông - Nam Á này đưa ra trong vòng một tháng, nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ cấp “tiền hỗ trợ khẩn cấp trong thảm họa” cho phần lớn các gia đình trên cả nước. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh, để có đủ tài chính cho chương trình viện trợ nêu trên, chính phủ sẽ thúc đẩy gói ngân sách bổ sung thứ hai, trình Quốc hội thông qua ngay sau cuộc tổng tuyển cử. Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua gói ngân sách bổ sung trị giá 9,56 tỷ USD để ứng phó dịch Covid-19. Tại Nhật Bản, Thủ tướng S.Abe mới đây tuyên bố, chính phủ nước này đang gấp rút soạn thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020, nhằm giúp nền kinh tế ứng phó các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ngân sách bổ sung này có thể sẽ lớn hơn khoản mà chính phủ từng chi để đối phó các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009.

Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nền kinh tế nhiều nước châu Á đối mặt khó khăn. Tuy nhiên, với những biện pháp hỗ trợ quyết liệt, kịp thời mà chính phủ các nước đưa ra trong thời gian qua, giới chuyên gia hy vọng, các nền kinh tế châu Á sớm vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay.