Hồ Chí Minh - Chiến sĩ giải phóng con người

NDO -

NDĐT - Trong số ra ngày 2-9, báo Nhân đạo (L'Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp đã đăng trang trọng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang nhất và toàn bộ hai trang trong với chủ đề "Di sản của Bác Hồ", gồm hai bài viết về 74 năm Quốc khánh của Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019).

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trang trọng trên trang nhất của báo L'Humanité, số ra ngày 2-9.
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trang trọng trên trang nhất của báo L'Humanité, số ra ngày 2-9.

Câu dẫn của các bài viết ghi: Vậy là đã tròn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng đất nước và có Việt Nam như ngày nay.

Trong bài viết "Hồ Chí Minh - Chiến sĩ giải phóng con người", nhà sử học Alain Ruscio, cựu phóng viên của báo Nhân đạo thường trú tại Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cách mạng dành trọn đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Ngược lại dòng lịch sử kể từ lúc Người đi xa. Trước đó 80 năm, đất nước Việt Nam chịu ách nô lệ của thực dân Pháp và cũng từ đó xuất hiện thanh niên yêu nước sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó năm mươi năm, Người trở thành đảng viên Đảng cộng sản và là một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng đất nước và luôn có khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Đó chính là lý do để Người mong muốn trở thành một người cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đi tìm con đường giải phóng đất nước chìm trong ách nô lệ của thực dân Pháp. Rồi Người đã tìm được con đường giải phóng dân tộc. Người đã viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam độc lập trong thời hiện đại, để mỗi người dân có quyền tự hào là người Việt Nam.

Hồ Chí Minh - Chiến sĩ giải phóng con người ảnh 1

Báo L'Humanité dành trọn hai trang trong để đăng các bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo nhà sử học Alain Ruscio, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những bài viết, nhất là Di chúc, vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Người luôn thấu hiểu và rất quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân, mọi vấn đề của cuộc sống, đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gần gũi với nhân dân, chứ không phải là làm "quan cách mạng." Như vậy có thể thấy rõ, Tư tưởng Hồ Chí Minh là những bài học còn nguyên giá trị cho tới nay.

Phần cuối trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới." Theo nhà sử học Alain Ruscio, hiện chúng ta đang ở đầu thế kỷ 21 nhưng những câu căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Tác giả bài viết nhắc lại câu vô cùng xúc động, nghẹn lời và không bao giờ quên với các độc giả của báo Nhân đạo trong bài viết của nhà báo Madeleine Riffaud đăng đầu tháng 9-1969: Bác Hồ đã đi xa giữa mùa thu... Hai tiếng Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh - từng được hô vang trong các cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam ở các nước trên toàn thế giới - đã đi xa trước khi được chứng kiến giờ phút thiêng liêng của dân tộc mà Người hằng mong ước và trọn niềm tin: chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ.

* Cũng trong số báo ra ngày 2-9, báo L'Humanité (Nhân đạo) đăng trang trọng trên trang nhất bài: “Bác Hồ - người truyền cảm hứng cho Việt Nam ngày nay” của tác giả Lina Sankari.

Tác giả bài viết cho biết: chân núi Bà Nà, miền trung Việt Nam, có những gia đình gián tiếp ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh, bị hàng loạt di chứng về thể chất và tinh thần của cuộc chiến tranh hóa học xảy ra ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1971. Họ vẫn từng bước nhẫn nại vượt qua hoàn cảnh và vẫn một lòng kính yêu và biết ơn Bác Hồ.

Đối với họ: "Hành động và cuộc sống giản dị của Người là tấm gương để chúng tôi luôn noi theo".

Tác giả nhận xét, không phải nói quá lời khi cho rằng Bác Hồ là một phần trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Hoặc cũng có thể nói rằng, uy tín của Người vượt xa tầm ảnh hưởng ngoài khuôn khổ chính trị.

Bài báo cũng cho biết, từ đầu năm, Việt Nam đã chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2-9 tại Hà Nội, tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, triển lãm và hội nghị về di sản của Người.

Mười một triệu thanh niên đã tham gia vào chiến dịch mang tên "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác".

Theo tác giả, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là cơ hội để Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá lại việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được viết vào tháng 5-1965 và hoàn thành vào tháng 5-1969, để tiếp tục quán triệt trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.

Về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn người Pháp Jean Lacouture - luôn ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam và luôn dành sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - từng nói rằng, cho tới lúc sắp đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất khiêm tốn, giản dị và đau đáu nỗi lòng vì đất nước. Trước lúc đi xa, Người nói về nhiệm vụ trước mắt phải hoàn thành, đó là giải phóng đất nước.