Hàn Quốc vẫn tiếp tục chương trình vaccine sau khi ghi nhận ca tử vong

NDO -

Cơ quan y tế cộng đồng Hàn Quốc ngày 21-10 khẳng định, không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa việc tiêm phòng cúm và các ca tử vong sau khi tiêm phòng cúm trong thời gian qua. Do đó, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục triển khai chương trình tiêm phòng cúm trên toàn quốc. 

Người dân tiêm phòng cúm miễn phí tại cơ sở y tế ở Seoul, ngày 19-10. (Ảnh: Yonhap)
Người dân tiêm phòng cúm miễn phí tại cơ sở y tế ở Seoul, ngày 19-10. (Ảnh: Yonhap)

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), bà Jeong Eun-kyeong cho biết tại một cuộc họp báo, KDCA sẽ tiến hành các cuộc điều tra kỹ lưỡng nhằm làm rõ chín trường hợp tử vong sau khi tiêm phòng cúm trong thời gian qua. 

“Chúng tôi chưa tìm thấy mối quan hệ trực tiếp nào giữa các ca tử vong và vaccine, hoặc mối quan hệ giữa các tác dụng phụ của việc tiêm phòng cúm và các ca tử vong. Sau khi rà soát thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận từ một loại vaccine cụ thể, chúng tôi quyết định không ngừng chương trình vaccine phòng cúm”, bà Eun-kyeong thông báo. 

Đến nay, 8,36 triệu người tại Hàn Quốc đã được tiêm phòng cúm theo chương trình tiêm chủng của nhà nước.

Theo KDCA, trong số chín ca tử vong gần đây, hai ca có thể liên quan đến sốc phản vệ. Cơ quan y tế đang tiến hành điều tra dịch tễ, gồm cả khám nghiệm tử thi, đối với tám trường hợp. 

Theo Yonhap, giới chức y tế đã ghi nhận một người đàn ông 68 tuổi trên đảo Jeju và một cụ ông 78 tuổi tại TP Daegu đã qua đời sau khi tiêm phòng cúm. Các nhà chức trách cho biết đang điều tra mối quan hệ (nếu có) giữa hai ca bệnh và vaccine phòng cúm, song lưu ý rằng hai trường hợp này đều có bệnh nền. Tỉnh Gyeonggi cũng ghi nhận hai ca tử vong sau khi tiêm phòng tại trung tâm cộng đồng ở TP Gwangmyeong và TP Goyang.

Những quan ngại về độ an toàn của vaccine phòng cúm càng gia tăng sau khi một nam thanh niên 17 tuổi ở TP Incheon tử vong sau hai ngày tiêm phòng cúm. Sau đó, sự việc tương tự xảy ra đối với một cụ bà 77 tuổi tại huyện Gochang, tỉnh Bắc Jeolla và một cụ ông 82 tuổi tại TP Daejeon vào ngày 20-10. Cả hai cụ đều tiêm phòng vào ngày 19-10.

Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Ganglip khẳng định, các nhà chức trách hiểu được nỗi lo của người dân về mũi tiêm phòng cúm miễn phí và đang nghiêm túc đánh giá tình hình. 

Theo các cơ quan y tế, những trường hợp tử vong đã tiêm vaccine phòng cúm do các hãng Korea Vaccine, Boryung Biopharma, LG Chem, SK bioscience và GC Pharma sản xuất. Nhà chức trách đang theo dõi sát sao sức khỏe của người được tiêm những loại vaccine này tại cùng cơ sở y tế cùng ngày với những người đã qua đời.

Dù nhà chức trách chưa xác nhận mối quan hệ nhân quả với tiêm phòng cúm, nhưng đến nay, đã có 431 người có phản ứng bất thường sau khi tiêm phòng cúm. Đáng chú ý, 111 người đã có phản ứng tại chỗ, 119 người bị dị ứng và 93 người bị sốt.

Theo KDCA, đến nay chỉ có duy nhất một ca tử vong mà các nhà chức trách phát hiện có liên quan đến tiêm phòng cúm. Năm 2009, một người 65 tuổi được chẩn đoán mắc hội chứng Miller Fisher (bệnh thần kinh hiếm gặp) sau khi tiêm phòng cúm, bà đã qua đời một năm sau đó.

Theo giới chuyên gia, còn quá sớm để quyết định ngừng tiêm phòng cúm. “Không có loại thuốc hay vaccine nào có độ an toàn 100%, nhưng chúng ta nên hiểu rằng vaccine phòng cúm đã được sử dụng hơn 70 năm, kể từ năm 1945. Nếu có quá nhiều ca tử vong liên quan đến tiêm phòng cúm thì chúng ta đã không sử dụng vaccine phòng cúm”, Giáo sư dịch tễ học Ki Mo-ran của Trung tâm Ung thư quốc gia Hàn Quốc lưu ý. 

Đầu tháng này, cơ quan giám sát an toàn dược phẩm Seoul đã yêu cầu Korea Vaccine thu hồi 615 nghìn liều vaccine phòng cúm sau khi xác nhận có hạt màu trắng trong vaccine dù hạt này không ảnh hưởng đến tính hiệu quả và an toàn của vaccine.