Hàn Quốc nỗ lực vượt "bão" kinh tế

Nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút, xuất khẩu chững lại, căng thẳng thương mại với quốc gia láng giềng Nhật Bản gia tăng… là những thách thức mà nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt. Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đã tức tốc thúc đẩy hàng loạt biện pháp với quyết tâm đưa nền kinh tế Ðông - Bắc Á vững vàng "vượt bão".

Cuộc họp của Hội đồng Cố vấn kinh tế quốc gia tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh Hankyoreh
Cuộc họp của Hội đồng Cố vấn kinh tế quốc gia tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh Hankyoreh

Chính phủ và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) mới đây đã mở cuộc họp tài chính, kinh tế vĩ mô khẩn cấp nhằm tìm đối sách cải thiện nền kinh tế vốn đang gặp nhiều biến động. Theo Chính phủ Hàn Quốc, sự biến động trên thị trường tài chính gần đây là kết quả của nhiều yếu tố bất ổn trong và ngoài nước xảy ra đồng thời trong một khoảng thời gian ngắn. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hong Nam-ki nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ sẽ đối phó một cách quyết liệt bằng mọi biện pháp nhằm ổn định thị trường tài chính; đồng thời thực thi những đối sách để giảm những thiệt hại mà doanh nghiệp phải hứng chịu từ căng thẳng thương mại hiện nay giữa Seoul và Tokyo.

Viện phát triển kinh tế Hàn Quốc (KDI) cho biết, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc hiện chững lại do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 vừa qua giảm tháng thứ tám liên tiếp, xuống mức 46,14 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Các biện pháp siết chặt xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc đang khiến doanh nghiệp Hàn Quốc thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất chíp bán dẫn. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "xứ sở kim chi" có thể giảm 2,2% nếu các doanh nghiệp Hàn Quốc thiếu 30% nguồn nguyên liệu sản xuất chíp bán dẫn do biện pháp siết chặt xuất khẩu nêu trên của Nhật Bản. Tại Hội nghị chính sách thúc đẩy kinh tế diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Hong Nam-ki nêu rõ, các yếu tố như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài; giá các mặt hàng chíp bán dẫn, thiết bị công nghệ thông tin giảm; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại... đã tác động đến tình hình kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Hong Nam-ki cũng lạc quan nhận định, mặc dù trong điều kiện khó khăn, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tại Hàn Quốc như xe hơi thân thiện với môi trường, các sản phẩm y sinh... vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Ðể tiếp sức cho nền kinh tế, trong sáu tháng cuối năm nay, Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch chi hơn 13 tỷ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Chính phủ cũng quyết định kéo dài thời gian, quy mô hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu thiệt hại bởi những quy chế xuất khẩu của Nhật Bản, tăng cường hợp tác nghiên cứu chung giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các trường đại học. Trước những nhận định của giới chuyên gia rằng năm 2019 là một năm không hề dễ dàng, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố báo cáo mang tên "Phương hướng chính sách kinh tế năm 2019" với hàng loạt sáng kiến nhằm thổi sức sống mới cho nền kinh tế.

Với quyết tâm đưa nền kinh tế Hàn Quốc từng bước vượt qua những thách thức hiện tại, tại cuộc họp mới nhất của Hội đồng Cố vấn kinh tế quốc gia diễn ra ở thủ đô Seoul, Tổng thống nước này Moon Jae-in khẳng định, Hàn Quốc cần nhìn nhận những khó khăn trước mắt như một cơ hội để tích cực cải thiện nền tảng kinh tế và hệ sinh thái toàn ngành công nghiệp, từ đó tạo ra một bước nhảy vọt mới. Trước đó, Thống đốc BOK Lee Joo-yeol cũng cam kết, BOK sẽ hợp sức cùng chính phủ điều hành hiệu quả nền kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế "xứ sở kim chi" đứng vững trước các yếu tố bất ổn bên ngoài.