Giao tranh dữ dội tại thủ đô của Libya

Theo Reuters và Tân Hoa xã, ít nhất 18 người chết và hàng chục người bị thương do giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Chính phủ Ðoàn kết dân tộc Libya (GNA) và lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng K.Haftar tại thủ đô Tripoli ngày 21-9. 11 binh sĩ chính phủ thiệt mạng trong khi hàng chục người bị thương tại khu vực phía nam Tripoli. Phía LNA tuyên bố có bảy tay súng chết.

★ Cùng ngày, Người phát ngôn LNA A.Mi-xma-ri thông báo, nhóm vũ trang này đã mở cuộc tiến công quy mô lớn nhằm vào lực lượng chính phủ tại khu vực phía nam thủ đô Tripoli. LNA lấy danh nghĩa chống khủng bố và truy quét phiến quân đã mở các cuộc tiến công nhằm chiếm thủ đô Tripoli, vốn thuộc quyền kiểm soát của GNA, từ tháng 4 vừa qua. Giao tranh khiến hơn 1.000 người chết và gần 120 nghìn người phải rời nhà đi lánh nạn.

★ Trước đó, các cuộc không kích của Mỹ đã tiêu diệt tám tay súng tình nghi thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mơ-dúc, miền nam Libya. Ðây là khu vực nằm ở vùng sa mạc rộng lớn của Libya, nơi IS đã tập hợp lại lực lượng sau khi chạy trốn khỏi thành trì của chúng ở thành phố Xơ-tê hồi tháng 11-2016.

★ Công ty dầu mỏ nhà nước Libya NOC có trụ sở ở Tripoli đã từ chối một quyết định của chính phủ miền đông được Tướng K.Haftar hậu thuẫn về việc đặt tên một hội đồng mới cho một công ty phân phối nhiên liệu nhà nước ở miền đông. NOC lên án mạnh mẽ hành động này, coi đây là âm mưu nhằm chia rẽ đất nước và thành lập một thực thể bất hợp pháp để xuất khẩu dầu mỏ. Hiện NOC phải tìm cách tránh xa xung đột giữa các phe phái nhằm giành quyền kiểm soát lĩnh vực dầu mỏ ở Libya.

★ Ngày 22-9, Sở An ninh thuộc thành phố Duoaraon, miền tây Libya, thông báo đã bắt giữ 28 người di cư bất hợp pháp chuẩn bị hành trình vượt Ðịa Trung Hải sang châu Âu. Trong số này có một số người bị bệnh truyền nhiễm. Trước đó vài ngày, Cơ quan Bảo vệ bờ biển Libya đã giải cứu 493 người di cư trên biển. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong năm nay đã có 1.350 người tị nạn tại Libya được đưa tới nước thứ ba theo chương trình sơ tán và tái định cư.