Gia đình trẻ ở Nga đối mặt khó khăn tài chính

NDO -

Theo kết quả khảo sát mới đây của Cục Thống kê LB Nga, 64% số gia đình trẻ nước này được hỏi cho biết, họ chỉ đủ tiền chi cho thực phẩm và quần áo, còn không có điều kiện để sắm hàng hóa lâu bền.

Mua hàng hóa lâu bền trở nên khó khăn đối với 50,5% số gia đình có nhiều con ở Nga. (Ảnh: THANH THỂ)
Mua hàng hóa lâu bền trở nên khó khăn đối với 50,5% số gia đình có nhiều con ở Nga. (Ảnh: THANH THỂ)

Kinh tế khó khăn đang làm xấu đi tình hình tài chính của người Nga. Trong một cuộc khảo sát mới đây, gần 2/3 số gia đình trẻ ở Nga được hỏi cho biết, họ chỉ đủ tiền ăn và mặc.

Theo RBC, cùng kỳ năm ngoái, nhóm hộ gia đình trên được đánh giá “có điều kiện” nhất, khi 50,3% số hộ cho biết có đủ tiền cho các loại mặt hàng khác.

Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, số gia đình người về hưu không đi làm chỉ đủ tiền cho quần áo và ăn uống cũng tăng, từ 58,8% của năm 2019 lên 62,4% năm 2020.

Mua hàng hóa lâu bền cũng trở nên khó khăn đối với 50,5% số gia đình có nhiều con. Con số này của năm ngoái là hơn 60%.

Theo luật, hàng hóa lâu bền là những mặt hàng và sản phẩm có thể sử dụng trên ba năm đến khi hư hỏng hoàn toàn, như ô-tô, xe máy, các mặt hàng nội thất, thiết bị điện gia dụng…

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, hầu hết người Nga không hài lòng với mức lương của họ.

Trước đó, theo kết quả nghiên cứu của công ty Qiwi, đại dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế chống dịch đã ảnh hưởng thu nhập của 70% số người dân Nga. Nguyên nhân là mất việc (31%), nghỉ việc không lương (18%) và các chi phí không lường trước được do bệnh tật… 1/3 số người được hỏi cho biết đã phải “cầu cứu” các tổ chức tín dụng.

Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng hành vi tiêu dùng của người Nga. Cụ thể, họ lấy nhiều hàng hơn trong một lần mua, do ít đến cửa hàng hơn trước. Họ quan tâm hơn sức khỏe của bản thân và cố gắng đến các địa điểm công cộng thay vì cửa hàng.