GDP của Pháp giảm 9-10% trong năm 2020

NDO -

Ngày 9-11, Ngân hàng Trung ương Pháp đưa ra mức dự báo suy giảm GDP của nước này có thể tới 9-10% trong năm nay, cao hơn mức 8,7% ước tính trong tháng 9 do tác động của đợt phong tỏa thứ 2. Trong khi đó, sức ép đối với các bệnh viện ngày càng tăng, nhất là ở vùng thủ đô Ile-de-France.

Sức tiêu dùng ở Pháp giảm mạnh trong những ngày phong tỏa đợt hai. Chỉ có cửa hàng bán hàng tiêu dùng thiết yếu được mở cửa.
Sức tiêu dùng ở Pháp giảm mạnh trong những ngày phong tỏa đợt hai. Chỉ có cửa hàng bán hàng tiêu dùng thiết yếu được mở cửa.

Theo Ngân hàng Trung ương Pháp, đợt phong tỏa thứ 2 kéo dài ít nhất bốn tuần từ ngày 30-10 không nghiêm ngặt như hồi đầu năm. Suy giảm kinh tế trong tháng 11 có thể ở mức -12% so với -4% trong tháng 10 và tới -31% vào tháng 4. Như vậy tác động của đợt phong tỏa hiện nay ít hơn gần 3 lần so với hồi đầu năm. 

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương Pháp với 8.500 lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện từ ngày 28-10, hai ngày trước khi lệnh phong tỏa lần thứ hai có hiệu lực, hoạt động của ngành công nghiệp giảm 51% so với 89% trong tháng 4. Lĩnh vực xây dựng hoạt động bình thường chứ không bị đình trệ trong vài tuần đầu như đợt trước. 

Ngành dịch vụ như nhà hàng, trung tâm mua sắm hay giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì phải đóng cửa hoặc bị hạn chế tối đa vì chỉ bán đồ ăn uống mang đi. Còn các doanh nghiệp sản xuất vẫn có thể duy trì hoạt động. 

Do vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng việc duy trì hoạt động của dịch vụ công và trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giảm được 1/4 thiệt hại so với đợt trước. Phần còn lại có được từ sự "thích nghi trong dịch bệnh" của các doanh nghiệp thông qua biện pháp chống lây nhiễm và tăng làm việc từ xa. 

Cũng như dự báo của chính phủ về mức suy giảm 11% GDP trong tháng 11, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết, sự phục hồi kinh tế trong mấy tháng hè vừa qua tích cực hơn so với dự kiến. Cụ thể, suy giảm GDP trong tháng 9 chỉ ở mức 3,5% so với ước tính trước đó là 5%. Vì vậy, mức suy giảm trong tháng này có thể chỉ ở mức 12% dù cả nước trong tình trạng phong tỏa. 

Dù doanh nghiệp có thể xoay sở tốt hơn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó dự báo thời điểm kinh tế phục hồi hoàn toàn. Nhà kinh tế Eric Chaney thuộc Viện Nghiên cứu Montaigne cũng cho rằng kế hoạch phục hồi kinh tế lên tới 100 tỷ euro không thể đem lại hiệu quả trong ngắn hạn. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế để chống dịch sẽ dẫn tới sự sụt giảm mạnh về tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Trước tính hình đó, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết quyết định không công bố dự báo tăng trưởng cho năm 2021 trước ngày 15-12 tới.     

Trước đó vào ngày 5-11, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra nhận định rằng làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đã làm chậm lại đà phục hồi của khu vực. Mức tăng trưởng của khu vực Eurozone sẽ ở mức 4,2% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với dự báo 6,1% đưa ra trong tháng 7. Và phải tới cuối năm 2022, GDP của EU mới có thể trở về mức như trước khi có dịch. 

Đối với tình hình dịch bệnh, nước Pháp đã trải qua 10 ngày đầu tiên của đợt phong tỏa thứ hai. Tỷ lệ nhiễm mới hằng ngày vẫn ở mức rất cao và đứng đầu khu vực. Mỗi ngày, Pháp ghi nhận hơn 30 nghìn ca nhiễm mới trong đó có kỷ lục gần 87 nghìn ca vào ngày 7-11. 

Các chuyên gia y tế Pháp cho rằng còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của đợt phong tỏa thứ hai do số người nhiễm hằng ngày còn rất cao và các biện pháp hạn chế không nghiêm ngặt như đợt đầu năm. Số người nhập viện và chuyển sang khu hồi sức cấp cứu liên tục ở mức cao đang làm tăng sức ép tới các bệnh viện, nhất là tại vùng thủ đô Ile-de-France và Auvergne-Rhône-Alpes ở phía nam. 

Hai khu vực này hiện có hơn 13 nghìn bệnh nhân và gần 2.000 ca bệnh nặng trong tổng số hơn 30 nghìn bệnh nhân và gần 4.600 ca hồi sức cấp cứu trên toàn quốc. Dù đã rất nỗ lực, Pháp mới tăng được số giường hồi sức cấp từ 5 nghìn lên 6.400, dự kiến tới 7.500 trong những ngày tới. 

Sự căng thẳng cũng diễn ra tại các bệnh viện ở nhiều khu vực khác, buộc một số nơi trong đó có vùng Grand Est ở phía đông phải chuyển bệnh nhân tới các nơi ít bị ảnh hưởng hơn, kể cả sang nước bên cạnh như Đức. Trong những ngày qua, gần 100 đợt chuyển bệnh nhân đã được thực hiện để giảm bớt sức ép cho các khu vực "nóng."

Trong một diễn biến khác, một số công đoàn giáo viên Pháp tiếp tục duy trì kế hoạch đình công vào ngày 10-11 để yêu cầu chính phủ tăng cường biện pháp khẩn cấp tại trường học. Lý do là vì các quy trình chống dịch hiện nay chưa đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm và thực tế có rất nhiều ca nhiễm mới được ghi nhận tại các trường học trong những ngày qua.