Gần 112 triệu ca Covid-19 trên toàn cầu, người Mỹ có thể phải đeo khẩu trang đến năm 2022

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 22-2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 111.953.084 ca mắc Covid-19, trong đó 87.257.760 người đã bình phục và 2.477.810 người đã tử vong. Theo chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, người dân tại nước này có thể sẽ phải đeo khẩu trang cho đến năm sau để ngăn chặn đại dịch.

Các tình nguyện viên đeo khẩu trang trong lúc phân phối thực phẩm cứu trợ người dân tại bang Texas, Mỹ, ngày 21-2. (Ảnh: AP)
Các tình nguyện viên đeo khẩu trang trong lúc phân phối thực phẩm cứu trợ người dân tại bang Texas, Mỹ, ngày 21-2. (Ảnh: AP)

Ngày 21-2, trả lời phỏng vấn trong chương trình "State of the Union" của CNN, Cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci cho rằng, có thể người Mỹ vẫn cần đeo khẩu trang tới năm 2022 để ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19, ngay cả khi Mỹ có thể đạt được "mức độ bình thường đáng kể" vào cuối năm 2021.

Theo CNN, ông Fauci đưa ra nhận định nêu trên trong bối cảnh số người tử vong do Covid-19 tại Mỹ xấp xỉ 500 nghìn trường hợp và nước này chuẩn bị đánh dấu một năm bước vào cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Dù Mỹ đang đều đặn phân phối vaccine ngừa Covid-19, song ông Fauci vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp hạn chế nhằm đẩy lùi chủng virus nguy hiểm và sự xuất hiện của các biến thể mới. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đeo khẩu trang có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm chậm sự lây lan của virus, khẩu trang có thể giúp bảo vệ cả người đeo và những người chung quanh.

Tại châu Âu, Giáo sư kinh tế Lars Feld, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia kinh tế của chính phủ Đức (GCEE), cảnh báo các nguy cơ đối với nền kinh tế Đức trong năm nay do đại dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối việc nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện được áp dụng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin DPA ngày 21-2, ông Feld cho biết do hậu quả của đại dịch Covid-19 cùng với sự lây lan mạnh của những biến thể mới, GCEE sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay. Theo dự báo đưa ra tháng 11-2020, GCEE nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 sau khi giảm khoảng 5% trong năm 2020. Ông Feld cũng cho rằng, năm nay vẫn có thể đạt mức tăng trưởng trên 3% nếu như tránh được việc kiểm soát ngặt nghèo khu vực biên giới cũng như dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau giai đoạn phong tỏa.

Do triển vọng ảm đạm của nền kinh tế, một số hiệp hội kinh tế như Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) kêu gọi chính phủ Đức phải có lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Feld, sự gia tăng số ca lây nhiễm với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã tạo ra những bất trắc cũng như có thể gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ông Feld cho rằng, một khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát, mọi kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế đều không còn phù hợp. Trong khi đó, một số chuyên gia khác kêu gọi chính phủ Đức không nên kéo dài quá lâu tình trạng phong tỏa, bởi điều đó có thể gây hậu quả và trì hoãn sự phục hồi kinh tế.

Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), hệ số lây nhiễm ở Đức trong bảy ngày đã tăng trở lại và lên mức cao nhất kể từ ngày 11-1. Theo RKI, hệ số này trong ngày 21-2 ở mức 1,10, có nghĩa 100 người nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm cho 110 người khác. Sau khi giảm trong nhiều tuần qua xuống mức dưới 1, việc chỉ số này tăng lên báo hiệu nguy cơ biến thể của virus đang làm gia tăng tốc độ lây nhiễm bất chấp tình trạng phong tỏa hiện nay. Về công tác tiêm chủng ở Đức, cho đến nay, Đức đã tiêm chủng  cho gần năm triệu người, trong đó mới có gần 1,7 triệu người được tiêm đủ hai mũi. Bộ Y tế Đức cũng cho biết, trong ngày 21-2, nước này đã tiếp nhận thêm 7,5 triệu liều vaccine và dự kiến có thêm hai triệu liều trong tuần tới.

Ngày 22-2, Australia bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng với đối tượng tiêm chủng ưu tiên là các lực lượng trên tuyến đầu như nhân viên y tế, cảnh sát và những người sống trong các viện dưỡng lão. Dự kiến, trong tuần đầu tiên này, Australia sẽ phân phối khoảng 60 nghìn liều vaccine. 

Thông tin phát sóng trên các kênh truyền hình của Australia hôm nay cho thấy, nhân viên y tế và những người làm việc tại các cơ sở cách ly ở Melbourne và Sydney đã được tiêm chủng những mũi tiêm đầu tiên, một ngày sau khi Thủ tướng Scott Morrison được tiêm chủng trong một sự kiện nhằm khuyến khích người dân an tâm về độ an toàn của vaccine và tham gia tiêm chủng. 

Theo các cuộc thăm dò dư luận, có tới 80% người dân Australia được hỏi đều cho biết sẵn sàng tiêm chủng. Australia là một trong những nước thành công trong khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 nhờ nhanh chóng triển khai các biện pháp như đóng cửa biên giới, phong tỏa các địa phương bùng phát dịch, mở rộng xét nghiệm và đưa vào sử dụng các chương trình truy vết Covid-19. 

Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng, Australia sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và sẽ sử dụng vaccine của AstraZeneca sản xuất nội địa trong giai đoạn kế tiếp. Chính phủ Australia đặt mục tiêu hoàn tất chương trình tiêm chủng tại quốc gia 25 triệu dân vào tháng 10-2021. Đến nay, Australia ghi nhận gần 29 nghìn ca mắc Covid-19, trong đó có 909 ca tử vong.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 22-2 (giờ Việt Nam):

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 28.765.423 ca mắc, 511.133 ca tử vong
2. Ấn Độ: 11.005.071 ca mắc, 156.418 ca tử vong
3. Brazil: 10.168.174 ca mắc, 246.560 ca tử vong
4. Nga: 4.164.726 ca mắc, 83.293 ca tử vong
5. Anh: 4.115.509 ca mắc, 120.580 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.278.653 ca mắc, 34.489 ca tử vong 
2. Philippines: 561.169 ca mắc, 12.088 ca tử vong
3. Malaysia: 283.569 ca mắc, 1.056 ca tử vong 
4. Myanmar: 141.750 ca mắc, 3.196 ca tử vong  
5. Singapore: 59.869 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 25.415 ca mắc, 83 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.383 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 533 ca mắc
9. Brunei: 185 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 33.143.492 ca mắc, 791.080 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 32.974.707 ca mắc, 738.414 ca tử vong 
3. Châu Á: 24.496.502 ca mắc, 391.641 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 17.431.338 ca mắc, 454.070 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.854.676 ca mắc, 101.477 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 50.739 ca mắc, 1.084 ca tử vong

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan