EU gia hạn trừng phạt Nga

Theo Roi-tơ và TTXVN, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn thêm sáu tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, trong bối cảnh căng thẳng chung quanh vụ đụng độ gần đây giữa Nga và U-crai-na trên biển A-dốp tiếp tục gia tăng.

Tại Hội nghị cấp cao EU diễn ra ở Bỉ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ tuyên bố, liên minh này nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do không nhận thấy tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận Min-xcơ nhằm chấm dứt xung đột tại miền đông U-crai-na. EU lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào tháng 7-2014, nhằm vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của Nga, trong đó có hoạt động kinh doanh dầu mỏ chủ lực.

* Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M.Da-kha-rô-va lên tiếng chỉ trích nghị quyết mới đây của Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi ngừng thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Trước đó, EP đã thông qua nghị quyết phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vì cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu. Điện Crem-li coi nghị quyết này là biểu hiện của sự “cạnh tranh không lành mạnh” và kêu gọi các nước không coi đường ống dẫn khí đốt này làm công cụ gây ảnh hưởng.

* Liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2, giới chức Đức đã phản bác các ý định rút nước này khỏi dự án, sau khi một số nghị sĩ gợi ý sử dụng dự án này để trừng phạt Mát-xcơ-va liên quan vụ Nga bắt giữ tàu U-crai-na cùng các thủy thủ tại biển A-dốp. Trong khi đó, Mỹ, nước đang muốn xuất khẩu khí đốt cho châu Âu, cùng với U-crai-na và một số nước Đông Âu cho rằng, đường ống trên sẽ khiến Đức phụ thuộc vào Nga trong nhiều thập kỷ tới.

* Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ G.Bôn-tơn tuyên bố sẽ không có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Đ.Trăm và người đồng cấp Nga V.Pu-tin nếu Mát-xcơ-va vẫn giữ các tàu và thủy thủ U-crai-na bị bắt trên biển A-dốp. Trả lời báo giới tại Oa-sinh-tơn, ông Bôn-tơn khẳng định, cuộc gặp này chỉ diễn ra khi các tàu và thủy thủ đoàn được thả. Trong khi đó, Tổng thống Nga cho rằng vụ việc tại biển A-dốp là “sự cố biên giới” và việc Tổng thống U-crai-na ban bố tình trạng chiến tranh là “phản ứng thái quá”.