Thế giới ngày qua

Đức: Căng thẳng ngoại giao với Ma-rốc

Theo Roi-tơ và TTXVN, Chính phủ Đức thông báo đã triệu Đại sứ Ma-rốc tại Béc-lin tới để tiến hành các cuộc trao đổi “khẩn cấp” sau khi Ra-bát tuyên bố đình chỉ mọi tiếp xúc với Đại sứ quán Đức ở nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức khẳng định Béc-lin không thay đổi quan điểm trong chính sách đối với Ma-rốc. Trước đó, Ma-rốc thông báo ngừng mọi tiếp xúc với Đại sứ quán Đức và các tổ chức văn hóa của Đức do một số bất đồng về những vấn đề then chốt, trong đó có quy chế Tây Xa-ha-ra. Ma-rốc cho rằng chủ quyền đối với vùng Tây Xa-ha-ra là không thể đàm phán, bất chấp việc Mặt trận Pô-li-xa-ri-ô do An-giê-ri hậu thuẫn kiên trì tìm kiếm độc lập cho khu vực này.

Đức: Căng thẳng ngoại giao với Ma-rốc

Mỹ: Ưu tiên giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên

Trong chiến lược hướng dẫn an ninh tạm thời mới được công bố, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cho biết sẽ trao quyền cho các nhà ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trước đó, Mỹ tuyên bố Oa-sinh-tơn vẫn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hiện là “ưu tiên cấp bách” đối với Mỹ và nước này vẫn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

EU: Đe dọa thực hiện hành động pháp lý với Anh 

Quan hệ Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) lại xuất hiện mâu thuẫn mới sau khi Anh thông báo gia hạn tạm hoãn kiểm tra hải quan với những thực phẩm và nông sản được chuyển từ Anh tới vùng lãnh thổ Bắc Ai-len, qua đó kéo dài thời hạn đến ngày 1-10 thay vì chấm dứt vào tháng 4 như đã được hai bên thống nhất trước đó. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) chỉ trích động thái của Anh đe dọa phá vỡ các điều khoản của “thỏa thuận rút lui” Brexit, cụ thể là nghị định thư về Bắc Ai-len. EU cảnh báo sẽ có hành động pháp lý để đáp lại “hành động đơn phương” của Anh.

Hàn Quốc: Tổng trưởng Công tố từ chức

Ngày 4-3, Tổng trưởng Công tố Hàn Quốc Y-un Xê-ốc Y-un từ chức sau khi phản đối mạnh mẽ kế hoạch của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền thành lập một cơ quan điều tra chuyên biệt trực thuộc Bộ  Tư pháp, có nhiệm vụ điều tra các trọng án, trong đó có các án liên quan tới tham nhũng và kinh tế. Từ trước tới nay, các vụ án mà cơ quan tương lai này sẽ điều tra hoàn toàn do cơ quan công tố Hàn Quốc đảm trách. Kể từ sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật sửa đổi bổ sung năm 2020, trong đó trao thêm quyền hạn cho cảnh sát, phạm vi điều tra của cơ quan công tố Hàn Quốc đã bị thu hẹp đáng kể, đặc biệt là đối với các vụ án liên quan những tội nghiêm trọng.