Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

Sự thay đổi nhanh chóng mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội do tác động của đại dịch đã đẩy nhanh sự tăng trưởng của kinh tế số tại nhiều quốc gia.

Truy cập in-tơ-nét miễn phí tại sân bay ở Xin-ga-po. Ảnh | LN
Truy cập in-tơ-nét miễn phí tại sân bay ở Xin-ga-po. Ảnh | LN

Đại dịch khiến các nước trên thế giới có xu hướng chuyển mình khỏi nền kinh tế truyền thống. Với nhiều tiềm năng, châu Á đang đứng trước thời cơ thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số. Báo cáo triển vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, trình độ số hóa ở các nền kinh tế của châu Á cao hơn so với các nước ở khu vực khác. Ngay cả những nền kinh tế tương đối nghèo hơn của châu Á cũng chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Trong 20 năm qua, đổi mới sáng tạo số đã đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người của châu Á. Khu vực này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu quá trình số hóa toàn cầu và sẽ được lợi lớn từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế số trong khu vực. 

Các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại số trong nội bộ châu Á sẽ giúp các nước trong khu vực đứng vững trước tác động của thương mại toàn cầu đang thu hẹp. Báo cáo phát triển in-tơ-nét Trung Quốc 2020 cho biết, năm 2019, nền kinh tế số của nước này đạt 35.800 tỷ nhân dân tệ, chiếm 36,2% GDP, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về quy mô và tỷ lệ tăng trưởng. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua các dự luật về thúc đẩy số hóa với trọng tâm là thành lập cơ quan chính phủ mới vào tháng 9 tới trong bối cảnh đại dịch đã hạn chế phần nào việc cung cấp dịch vụ hành chính. Chính phủ Nhật Bản hy vọng việc thiết lập cơ quan mới và nâng cấp hệ thống máy tính tại các cơ quan trung ương và địa phương sẽ giúp tăng chất lượng dịch vụ công sau nhiều năm trì hoãn thực hiện sáng kiến về số hóa. Tô-ki-ô cũng đang nỗ lực giảm bớt việc đóng dấu trên các văn bản và giấy tờ chính thức cho nhiều thủ tục hành chính, vốn là rào cản chính dẫn tới sự chậm trễ của lộ trình số hóa. 

Là khu vực có nhiều người trẻ với hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi, việc xây dựng nền kinh tế số là một phần then chốt trong sự phát triển chiến lược của một số quốc gia thành viên ASEAN. Với sự phát triển của các công nghệ thông tin mới và nền kinh tế số, trong những năm gần đây, Xin-ga-po đã tích cực đi đầu thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh tế số với các nước như Trung Quốc, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a và Chi-lê, cũng như với các nước còn lại trong ASEAN. Với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về chương trình số và an ninh mạng, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã công bố Kế hoạch Tổng thể kinh tế kỹ thuật số quốc gia với tên gọi “MyDigital”. Chính phủ Ma-lai-xi-a kỳ vọng kinh tế số đóng góp 22,6% GDP vào năm 2025, đồng thời đặt mục tiêu vào năm 2030, năng suất của kinh tế số sẽ tăng 30%. Sáng kiến MyDigital nhằm cải thiện cuộc sống  cho tất cả người dân Ma-lai-xi-a trên mọi lĩnh vực, đóng vai trò như một kế hoạch định hướng chuyển đổi số, thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Tầm nhìn đằng sau việc thiết lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và xây dựng một mạng lưới dữ liệu mở cho ASEAN là thúc đẩy sự hợp nhất số trong kinh tế và thương mại khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất (ADGMIN1) đã thông qua Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025), nhằm hướng dẫn sự hợp tác kỹ thuật số cho các nước thành viên giai đoạn 2021 - 2025 trong việc thực thi kế hoạch đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu. Các nước ASEAN đã nhất trí thúc đẩy sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái, bảo đảm an ninh mạng để tạo ra một không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.

Đại dịch đã giúp chính phủ nhiều nước biến thách thức thành cơ hội nhằm khai thác tiềm năng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Đây là lúc các nước trong khu vực cần nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền kinh tế số châu Á hội nhập hơn.