Đại dịch Covid-19 vẫn đang tăng tốc

NDO -

Theo Worldometers, từ 7 giờ sáng 29-6 đến 7 giờ sáng 30-6 (giờ Việt Nam), thế giới có thêm 160.366 ca bệnh và 3.402 ca tử vong, nâng tổng số người mắc và qua đời do Covid-19 lên lần lượt là hơn 10,4 triệu và 507 nghìn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trên thực tế, đại dịch Covid-19 đang tăng tốc dù một số quốc gia đã đạt được bước tiến trong nỗ lực toàn cầu ứng phó dịch bệnh nguy hiểm này.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của thành viên các đội bóng trước giờ bóng lăn tại sân vận động Nilton Santos, ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 28-6. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của thành viên các đội bóng trước giờ bóng lăn tại sân vận động Nilton Santos, ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 28-6. (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 29-6, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO đánh giá, tình hình tại châu Mỹ nhìn chung là “khó khăn”. Trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục ghi nhận thêm hơn 40 nghìn ca bệnh. Với 2.681.425 ca bệnh và 128.774 ca tử vong, nước này vẫn là vùng dịch Covid-19 lớn nhất trên thế giới.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Covid-19, Brazil đang đối mặt với thách thức lớn trong cuộc chiến với chủng virus corona mới. Ông Ryan hối thúc chính phủ liên bang và bang của Brazil phối hợp chặt chẽ hơn để kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tại châu Âu, Chính phủ Anh ngày 29-6 quyết định phong tỏa thành phố Leicester, địa phương có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn tất cả các khu vực khác trên cả nước. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phát biểu trước Quốc hội nước này, tỷ lệ lây nhiễm trong bảy ngày gần đây tại Leicester là 135 ca/100 nghìn người, cao hơn ba lần so với con số này của địa phương có tỷ lệ lây nhiễm chỉ đứng sau Leicester. Số ca bệnh tại Leicester chiếm khoảng 10% tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Anh trong tuần qua. 

Ông Hancock thông báo, trường học và các cửa hàng không thiết yếu tại Leicester sẽ phải tạm ngừng hoạt động. Bộ trưởng Y tế kêu gọi người dân không nên đi lại bên trong Leicester hoặc ra vào thành phố này. Trong bối cảnh nước Anh đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa và cho phép các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trở lại, ông Hancock khẳng định, quyết định phong tỏa một địa phương như Leicester là không hề dễ dàng, song Chính phủ Anh phải đặt lợi ích của người dân Leicester lên trên hết. 

Trong khi đó, chính quyền bang North Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức, thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa một trong hai khu vực ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát tại một lò mổ. Thủ hiến bang North-Rhine Westphalen, ông Armin Laschet cho biết, các biện pháp phong tỏa vẫn có hiệu lực tại quận Guetersloh dù tình hình dịch bệnh tại đây đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, giới chức bang North Rhine-Westphalia sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa quận Warendorf vào ngày 30-6 do số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây thấp hơn tại Guetersloh.

Sau khi hơn 1.500 người lao động tại một nhà máy chế biến thịt tại North Rhine-Westphalia có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, chính quyền địa phương yêu cầu khoảng 600 nghìn người tại quận Guetersloh và Warendorf quay lại thực hiện các biện pháp hạn chế để đẩy lùi dịch bệnh. Từ ngày 1-7, các công ty chế biến thịt tại bang North Rhine-Westphalia với hơn 100 người lao động phải làm xét nghiệm Covid-19 cho tất cả nhân viên hai lần/tuần.

Theo số liệu chính thức do Bộ Y tế Iran công bố, Iran đã có số ca tử vong cao kỷ lục trong vòng 24 giờ qua. Iran ghi nhận 162 ca tử vong vào ngày 29-6, cao hơn mức 158 ca tử vong vào ngày 4-4 vừa qua. Số ca tử vong và mắc mới trong ngày tại Iran đã tăng mạnh trong tuần qua. Các quan chức cấp cao của nước này cảnh báo, chính quyền Tehran sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nếu người dân không tuân thủ các quy định nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo Bộ Y tế Iran, tám tỉnh của nước này được xếp vào vùng đỏ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cuối tuần qua cho biết, đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người sẽ là quy định bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 5-7 tới. Bộ Y tế Iran là cơ quan quyết định địa điểm nào được coi là nơi tập trung đông người. Chính phủ Iran sẽ xem xét có nên kéo dài chính sách này hay không vào ngày 22-7. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới:
Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 2.681.425 ca mắc, 128.774 ca tử vong
2. Brazil: 1.370.488 ca mắc, 58.385 ca tử vong
3. Nga: 641.156 ca mắc, 9.166 ca tử vong
4. Ấn Độ: 567.536 ca mắc, 16.904 ca tử vong
5. Anh: 311.965 ca mắc, 43.575 ca tử vong
6. Tây Ban Nha: 296.050 ca mắc, 28.346 ca tử vong
7. Peru: 282.365 ca mắc, 9.504 ca tử vong
8.Chile: 275.999 ca mắc, 5.575 ca tử vong
9. Italy: 240.436 ca mắc, 34.744 ca tử vong
10. Iran: 225.205 ca mắc, 10.670 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Singapore: 43.661 ca mắc, 26 ca tử vong
2. Indonesia: 55.092 ca mắc, 2.805 ca tử vong
3. Philippines: 36.438 ca mắc, 1.255 ca tử vong
4. Malaysia: 8.637 ca mắc, 121 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.169 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 355 ca mắc
7. Myanmar: 299 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Brunei: 141 ca mắc, 03 ca tử vong
9. Campuchia: 141 ca mắc
10. Lào: 19 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 3.123.932 ca mắc, 167.094 ca tử vong
2. Châu Âu: 2.429.234 ca mắc, 191.026 ca tử vong
3. Châu Á: 2.256.384 ca mắc, 55.730 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 2.186.295 ca mắc, 83.610 ca tử vong
5. Châu Phi: 396.314 ca mắc, 9.914 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 9.407 ca mắc, 126 ca tử vong