Cuộc khủng hoảng y tế thương tâm tại Ấn Độ

NDO -

"Vô cùng thương tâm" là cụm từ mà Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus sử dụng trong cuộc họp báo ngày 26-4 để mô tả tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ, nơi số ca mắc Covid-19 đang tăng ở mức chưa từng có.

Lễ hỏa thiêu người bệnh Covid-19 tại TP Jammu. (Ảnh: AP)
Lễ hỏa thiêu người bệnh Covid-19 tại TP Jammu. (Ảnh: AP)

Số ca mắc mới tính theo ngày tại Ấn Độ trong tháng 2 vừa qua đã giảm gần 90% so với giai đoạn đỉnh dịch trong năm 2020. Với đường cong dịch tễ đi xuống, Ấn Độ dường như đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. 

Vậy nhưng đến đầu tháng 3, số ca bệnh chuyển từ tốc độ tăng nhẹ sang tăng chóng mặt với cấp số nhân. Ngay lúc này, Ấn Độ đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 khốc liệt nhất trên thế giới. Số ca mắc mới liên tục tăng trong 10 ngày qua với những kỷ lục đáng lo ngại. 

Tiến sĩ Giridhara R. Babu (Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ) cho rằng, những gì đang xảy ra tại Ấn Độ chưa phải là tồi tệ nhất. Dựa trên số liệu ông có được, nước này sẽ đạt đỉnh dịch sau ít nhất ba tuần nữa. Trong khi đó, một số chuyên gia khác đánh giá, Ấn Độ có thể đang tiến gần đỉnh dịch, sớm hơn so với dự đoán của ông Babu. 

Cuộc khủng hoảng y tế thương tâm tại Ấn Độ -0
Trên lý thuyết, với sản lượng ít nhất 7.100 tấn oxy/ngày, Ấn Độ có thể đáp ứng được nhu cầu oxy hiện nay. Sự thiếu hụt nảy sinh khi oxy y tế không được chuyển tới bệnh viện kịp thời để cứu người bệnh. (Ảnh: AP)

Dù chưa rõ Ấn Độ đạt đỉnh của làn sóng thứ hai hay chưa nhưng có một thực tế là những hình ảnh đau thương đang xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông của nước này và thế giới. Các cơ sở hỏa táng trên toàn quốc đều quá tải, hệ thống bệnh viện không có đủ vật tư y tế cơ bản, nhiều người bệnh tử vong do thiếu oxy y tế, gia đình của người mắc Covid-19 đôn đáo đi tìm giường bệnh để cứu người thân...

Tín hiệu cầu cứu của hệ thống y tế trên toàn quốc

New Delhi là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của làn sóng Covid-19 thứ hai. Lệnh phong tỏa thủ đô tiếp tục được gia hạn đến ngày 3-5. 

Hệ thống bệnh viện tại thủ đô Delhi đang rơi vào tình trạng thiếu oxy y tế. Nhiều sự việc thương tâm đã xảy ra do thiếu vật tư y tế cơ bản. Ngày 23-4, 20 người bệnh đang trong giai đoạn nguy kịch đã tử vong tại Bệnh viện Jaipur Golden ở Delhi sau khi nguồn cung oxy bị gián đoạn trong bảy giờ.

Bác sĩ DK Baluja kể lại: “Tất cả những gì chúng tôi có đều cạn kiệt. Oxy không được cung cấp kịp thời. Theo kế hoạch oxy sẽ được chuyển đến lúc 5 giờ chiều, nhưng đến nửa đêm mới đến. Những người trong tình trạng nguy kịch rất cần oxy”.

Cuộc khủng hoảng y tế thương tâm tại Ấn Độ -0
Nhân viên y tế mệt mỏi chờ đợi bên ngoài nhà hỏa táng tại New Delhi. (Ảnh: AP)

Tình hình tại bang miền tây Maharashtra cũng không khả quan hơn. Chính quyền bang này đang áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế, các cuộc tụ tập chỉ được phép có nhiều nhất bốn người. Một số bang khác như Kerala, Uttar Pradesh, Karnataka, Rajasthan và  Chhattisgar liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. 

Làn sóng thứ hai tấn công người trẻ tuổi

CNN dẫn nhận định của một số chuyên gia, dù người mắc Covid-19 tại Ấn Độ thuộc hầu hết các độ tuổi nhưng dường như làn sóng lần này ảnh hưởng đến nhiều người trẻ tuổi hơn trước đây. 

“Virus và làn sóng dịch bệnh thứ hai đang tấn công nhiều người trẻ tuổi hơn, thậm chí trẻ em, theo cách thức không giống với làn sóng đầu tiên. Tôi đã gặp những em bé 18 ngày tuổi đang giành giật sự sống bên trong khu điều trị tích cực”, nhà báo Barkha Dutt tại New Delhi chia sẻ. 

Tiến sĩ Lancelot Pinto, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện P.D. Hinduja ở Mumbai cho rằng, thực trạng này phần nào xuất phát từ thực tế Ấn Độ là quốc gia có dân số trẻ. Trong khi số người trẻ mắc Covid-19 tăng vọt, tỷ lệ tử vong cao nhất vẫn trong độ tuổi từ 70 trở lên.

Thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng

Ấn Độ đang sử dụng hai loại vaccine ngừa Covid-19: Oxford-AstraZeneca (mang nhãn hiệu Covishield tại Ấn Độ) và Covaxin (do hãng Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ cùng phát triển). Đến giữa tháng 4 này, Ấn Độ đã phê duyệt thêm vaccine Sputnik V của Nga. 

Bắt đầu từ tháng 1-2021, Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình vaccine dành cho nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên với mục tiêu đến tháng 8 tới tiêm chủng đầy đủ cho 300 triệu người. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ đã không khởi đầu suôn sẻ do các vấn đề hậu cần cũng như thái độ của người dân đối với việc tiêm chủng. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, sau 100 ngày tiêm chủng, tính đến ngày 25-4, Ấn Độ đã tiêm gần 141 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. 

Chính quyền trung ương sẽ tiếp tục chi trả chi phí tiêm chủng cho người dân từ 45 tuổi trở lên, trong khi các bang có trách nhiệm mua vaccine cho người từ 18 đến 45 tuổi. 

Cuộc khủng hoảng y tế thương tâm tại Ấn Độ -0
Dòng người chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TP Mumbai. (Ảnh: AP) 

Để nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, từ cuối tuần qua, Ấn Độ đã cho phép tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đi tiêm vaccine phòng Covid-19. Giới chức nước này kỳ vọng tiêm chủng mở rộng sẽ giúp ngăn chặn đà lây lan dữ dội của virus SARS-CoV-2.

Tại một số bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của “bão” Covid-19, trong đó có Rajasthan, Punjab, Jharkhand và Chhattisgarh, chính quyền bang cho biết họ đang trong tình trạng thiếu, thậm chí là hoàn toàn không có sẵn vaccine ngừa Covid-19 và họ không thể đặt thêm vaccine. 

Ngày 26-4, TP Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, thông cáo chỉ còn số lượng vaccine đủ dùng trong ba ngày. Tại cả Mumbai và New Delhi, nhiều người đã tiêm mũi thứ nhất cho biết, lịch tiêm mũi thứ hai của họ bị hủy do nguồn dự trữ vaccine thấp. Tình trạng thiếu vaccine ngừa Covid-19 được dự báo sẽ rõ ràng hơn từ ngày 1-5, khi nhu cầu tiêm chủng tăng vọt.

Nỗ lực quốc tế giúp Ấn Độ vượt "bão" Covid-19

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy nhanh nỗ lực hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ. Theo Nhà trắng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chuyển tới Ấn Độ nguyên liệu thô phục vụ sản xuất vaccine, máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm nhanh, phương pháp điều trị.

Theo đề nghị trực tiếp từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chính phủ Anh đang gửi 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở, tới quốc gia Nam Á này. 

Ấn Độ cũng đang nhập 23 thiết bị di động sản xuất oxy và container từ Đức. Các mặt hàng này sẽ được chuyển tới Ấn Độ bằng đường hàng không trong vòng một tuần. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, những vật tư y tế nhập khẩu từ Đức sẽ được sử dụng tại các bệnh viện quân đội điều trị Covid-19.

Cuộc khủng hoảng y tế thương tâm tại Ấn Độ -0
Người dân tại TP Allahabad chờ nạp bình oxy. (Ảnh: Getty Images) 

Cuối tuần vừa qua, Ủy ban châu Âu về quản trị khủng hoảng đã kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự của Liên hiệp châu Âu (EU) sau khi ghi nhận báo cáo về tình trạng thiếu oxy trong các cơ sở y tế của Ấn Độ. Theo đó, tám đơn vị sản xuất oxy y tế, mỗi đơn vị có khả năng cung cấp oxy liên tục cho 250 giường bệnh, sẽ có mặt tại Ấn Độ vào cuối tuần này.

Thừa nhận tình hình tại Ấn Độ vô cùng thương tâm và số ca mắc mới tại đây chiếm phần lớn tổng số ca mới trên toàn khu vực châu Á, WHO cho biết tổ chức này đang làm mọi việc có thể, cung cấp thiết bị và vật tư thiết yếu, hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến... để giúp các nước vượt qua khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra. 

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư