Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng

Mặc dù Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) của Sudan và phe biểu tình đã nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp trong ba năm nhằm chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự, song các cuộc đàm phán giữa hai bên hiện lâm vào bế tắc. Sudan tiếp tục trên chặng đường đầy gian nan nhằm hướng tới ổn định chính trị và tình hình đất nước sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống A.Bashir.

Đàm phán giữa TMC và đại diện phong trào biểu tình ở Sudan. Ảnh Sudanradio.gov.sd
Đàm phán giữa TMC và đại diện phong trào biểu tình ở Sudan. Ảnh Sudanradio.gov.sd

Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) và đại diện phong trào biểu tình tiến hành cuộc đàm phán thảo luận về thành phần hội đồng cầm quyền mới ở Sudan. Theo phong trào biểu tình Liên minh vì tự do và thay đổi (AFC), cuộc gặp để giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan các đại diện trong hội đồng chủ quyền và người sẽ nắm vị trí lãnh đạo hội đồng này. Hai bên đã nhất trí một số vấn đề chủ chốt, bao gồm một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài ba năm, thành lập một quốc hội có 300 thành viên, trong đó hai phần ba nghị sĩ là người của nhóm đại diện người biểu tình AFC. AFC hiện chưa đưa ra ý kiến gì về việc liệu có áp dụng luật Hồi giáo Sa-ri-a hà khắc tại Sudan trong tương lai hay không. Tuy nhiên, cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh giữa hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng.

Hứng chịu những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ trong khoảng hai thập kỷ, nền kinh tế Sudan yếu kém và quốc gia này lâm vào cảnh khốn đốn, điều kiện sống của người dân hết sức khó khăn. Tuy là một nước giàu tài nguyên dầu mỏ, khoáng sản cũng như có nhiều thế mạnh về nông nghiệp và công nghiệp, song những chính sách trừng phạt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Sudan. TMC đã lên nắm tạm quyền từ sau khi Tổng thống A.Ba-sia bị quân đội nước này phế truất sau làn sóng biểu tình phản đối tình trạng giá cả leo thang và đời sống khó khăn. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống A.Bashir bị phế truất, hàng nghìn người biểu tình vẫn tập trung bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum. Người biểu tình Sudan tiếp tục gây sức ép đòi TMC chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự. TMC và lực lượng đối lập tại Sudan đã nhất trí thành lập một ủy ban giải quyết các bất đồng trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa hai bên.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với quân đội về việc thiết lập chính quyền dân sự rơi vào bế tắc. Phong trào biểu tình hiện bất đồng với các tướng lĩnh về việc quyết định lực lượng nào sẽ lãnh đạo Hội đồng hỗn hợp dân sự - quân sự. Hai bên vẫn chưa thống nhất về thành phần trong một hội đồng sẽ nắm quyền lãnh đạo. TMC cho rằng hội đồng mới này phải do quân đội kiểm soát, trong khi lực lượng biểu tình yêu cầu thành phần dân sự phải chiếm đa số trong hội đồng. Phong trào biểu tình muốn có một nhân vật dân sự đứng đầu hội đồng cầm quyền mới và phải giới hạn sự hiện diện của quân đội trong hội đồng này.

Phó Chủ tịch TMC, Tướng M.H.Dagalo cho biết, quân đội Sudan muốn chuyển giao quyền lực cho một chính phủ được bầu cử dân chủ càng sớm càng tốt. Lãnh đạo TMC khẳng định, các thành viên của hội đồng này không phải là những chính trị gia và họ đang chờ đợi chính phủ được thành lập. Phát biểu của lãnh đạo TMC nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình tiếp diễn ở Sudan. Trước các diễn biến căng thẳng nói trên, ba nước trung gian hòa giải cho cuộc xung đột là Mỹ, Anh và Na Uy đã ra tuyên bố chung kêu gọi hai bên nhanh chóng đạt thỏa thuận về việc thành lập chính quyền dân sự, chấm dứt tình trạng không rõ ràng hiện nay. Tuy nhiên, những bất đồng giữa các bên ở Sudan báo hiệu cuộc khủng hoảng ở quốc gia miền đông châu Phi còn tiếp diễn khó lường.