Chung tay ứng phó đại dịch

Sau hơn một năm kể từ ngày bùng phát, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành và gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với các nước trên thế giới. Trong bối cảnh đó, mới đây, lãnh đạo nhiều quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ ý tưởng hình thành một hiệp ước quốc tế về ứng phó các đại dịch trong tương lai.

Người dân Thái-lan được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: ROI-TƠ
Người dân Thái-lan được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: ROI-TƠ

Ý tưởng nêu trên được Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen đưa ra tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tháng 11 năm ngoái. Ông S.Mi-sen nhấn mạnh, các dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều trong những thập niên gần đây. Sau Covid-19, thế giới có thể sẽ phải đương đầu những đại dịch khác. Trong bối cảnh đó, việc hình thành hiệp ước quốc tế về ứng phó các đại dịch sẽ giúp bảo đảm tất cả các nước được tiếp cận một cách công bằng nguồn vắc-xin, thuốc điều trị và phương pháp chẩn đoán khi cần thiết.

Ủng hộ sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, mới đây, lãnh đạo 23 quốc gia, trong đó có Thủ tướng Ðức A.Méc-ken, Tổng thống Pháp E.Ma-crông, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In…, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen và Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút đã kêu gọi các nước trên toàn thế giới tham gia thiết lập một hiệp ước quốc tế về ứng phó các đại dịch. Theo đó, trong một thông cáo chung, các nhà lãnh đạo nêu rõ, những đại dịch và tình huống y tế khẩn cấp có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai. Không một chính phủ hoặc thể chế đa phương nào có thể tự giải quyết mối đe dọa này. Do vậy, các nhà lãnh đạo kêu gọi các nước cùng hợp tác hướng tới xây dựng một hiệp ước quốc tế về ứng phó các đại dịch. Mục tiêu chính của hiệp ước là tăng cường khả năng chống chọi của thế giới với các đại dịch trong tương lai, thông qua việc xây dựng một hệ thống cảnh báo, chia sẻ dữ liệu chung, cũng như việc sản xuất, phân phối các loại vắc-xin, thuốc, phương pháp chẩn đoán và điều trị một cách phổ quát và công bằng giữa tất cả các nước.

Thực tế cho thấy, Covid-19 không phải đại dịch đầu tiên mà nhân loại phải đối phó, song khi mới bùng phát, dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng bị động, lúng túng. Khi “cơn bão” Covid-19 mới đổ bộ, nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những nước phát triển, đã bị thiếu hụt các trang thiết bị y tế như khẩu trang, bộ xét nghiệm, máy thở. Ðến nay, hơn một năm sau khi đại dịch bùng phát, việc phân phối công bằng vắc-xin cho tất cả các nước lại tiếp tục trở thành bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đặt ra thách thức lớn đối với sự hợp tác quốc tế trong ứng phó dịch bệnh. Giới chuyên gia nhận định, những bài học rút ra từ dịch Covid-19 cho thấy, bất cứ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, đều không thể một mình vượt qua dịch bệnh. Hợp tác chính là cách thức hiệu quả nhất để cùng nhau đẩy lùi đại dịch. Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động để xây dựng một kế hoạch sẵn sàng đối mặt các thách thức y tế trong tương lai. Theo ông T.Ghê-brây-ê-xút hiệp ước quốc tế về ứng phó các đại dịch sẽ được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của WHO và được hỗ trợ bởi các công cụ y tế toàn cầu hiện nay, như Ðiều lệ Y tế quốc tế (IHR). Dự thảo nghị quyết về việc đàm phán hiệp ước có thể được trình bày trước 194 quốc gia thành viên WHO tại cuộc họp dự kiến diễn ra tháng 5 tới.

Hiệp ước quốc tế về ứng phó các đại dịch được kỳ vọng sẽ là một cam kết liên thế hệ, nhằm bảo đảm thế giới được an toàn trước các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút khẳng định, việc xây dựng, thông qua và thực thi hiệp ước đòi hỏi sự chung tay của tất cả các quốc gia, vì mục tiêu chung là xây dựng một thế giới an toàn hơn cho thế hệ sau.