Chile đối mặt cuộc khủng hoảng xã hội

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Chile I.Briones ngày 14-11 cho biết, nước này có thể mất 300 nghìn việc làm do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài một tháng qua.

Ông I.Briones nêu rõ, nhiều khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 3% trong những tháng tới, đồng thời cảnh báo tình hình bất ổn xã hội hiện nay sẽ tác động nghiêm trọng thị trường lao động nước này. Chile từng được coi là một trong những quốc gia có thị trường lao động ổn định nhất khu vực Mỹ Latinh. Trong quý III năm 2019, trước khi xảy ra làn sóng biểu tình, tỷ lệ thất nghiệp ở Chile là 7%.

* Giá trị đồng nội tệ pê-xô của Chile rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, tiếp tục gây lo ngại về nguy cơ tăng giá nhiên liệu. Ngày 14-11, đồng pê-xô "lao dốc" ngày thứ ba liên tiếp, khi chỉ được giao dịch ở mức 802 pê-xô đổi một USD, thiết lập mức thấp kỷ lục mới, sau mốc 795,5 pê-xô đổi một USD của ngày trước đó.

* Trong khi đó, cuộc đình công của những người lao công dấy lên quan ngại về tình trạng vệ sinh đường phố không được bảo đảm ở thủ đô Santiago. Bộ Y tế Chile ngày 14-11 mở rộng gói tài trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở sáu trong số 16 khu vực của Chile, trong bối cảnh các trường hợp chấn thương có thể liên quan các cuộc biểu tình ngày càng tăng.

* Ngày 15-11, Chile thông báo sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2020 về việc thay thế bản Hiến pháp hiện hành, vốn được ban hành và có hiệu lực từ năm 1980, nhằm đáp ứng đòi hỏi chính của người biểu tình sau gần một tháng khủng hoảng xã hội nghiêm trọng. Trước đó, cùng ngày, Quốc hội Chile bỏ phiếu thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 4-2020. Chủ tịch Thượng viện Chile J.Quintana cho biết, trong cuộc trưng cầu tới, cử tri sẽ được hỏi liệu có muốn thay thế bản Hiến pháp hiện hành hay không, nếu có thì văn kiện mới nên được soạn thảo như thế nào.