Chiến lược chung đối phó "bão Covid" của châu Âu

Liên hiệp châu Âu (EU) đang nỗ lực đề ra chiến lược chung của toàn khối để đối phó những vấn đề nan giải liên quan đại dịch Covid-19, như bảo đảm nguồn cung vắc-xin, thống nhất các biện pháp kiểm soát dịch bệnh… Hơn lúc nào hết, các thành viên của "đại gia đình EU" đang khẳng định quyết tâm thúc đẩy sự phối hợp đa phương chặt chẽ nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, đưa con thuyền EU vượt qua cơn bão dịch bệnh đang hoành hành.

Cảnh sát Ðức kiểm soát hoạt động đi lại tại khu vực biên giới với Cộng hòa Séc. Ảnh ROI-TƠ
Cảnh sát Ðức kiểm soát hoạt động đi lại tại khu vực biên giới với Cộng hòa Séc. Ảnh ROI-TƠ

Sự lan rộng của các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19, nhất là khi biến thể B117 có nguồn gốc từ Anh hiện đã có mặt tại tất cả 27 quốc gia thành viên EU, đã đẩy giới chức các nước EU vào những tình huống "lực bất tòng tâm" trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Tiến trình tiêm chủng chậm chạp do thiếu hụt nguồn cung vắc-xin cũng là một thách thức lớn đối với EU. Trước tình hình này, giới chức "ngôi nhà chung" EU đã kêu gọi sự đoàn kết, nỗ lực tìm ra một chiến lược chung nhất quán cho các nước thành viên trong hành trình đưa khối này vượt bão. Tại Hội nghị cấp cao bất thường của các nhà lãnh đạo EU diễn ra hồi cuối tháng 2 vừa qua, lãnh đạo 27 nước thành viên đã thảo luận về dự án thành lập Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế (HERA) của châu Âu vào năm 2023, với nhiệm vụ phát hiện, phân tích và đánh giá các biến thể mới của vi-rút, qua đó tạo động lực để phát triển các loại vắc-xin mới thích ứng với biến thể.

Trong bức thư gửi đến lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen khẳng định, ưu tiên chính của EU là tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn khối, đẩy nhanh quá trình cấp phép cũng như sản xuất và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19. Thời gian qua, nhiều quốc gia EU phải tạm dừng những mũi tiêm vắc-xin đầu tiên vì thiếu thuốc. Việc các hãng dược phẩm gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca chậm trễ trong sản xuất và giao hàng đã đặt EU trước nhiều áp lực. Trong bối cảnh đó, một số thành viên EU quyết định tự "rẽ lối đi riêng" để tăng khả năng tiếp cận vắc-xin. Cộng hòa Séc, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, quyết định đặt hàng vắc-xin Sputnik V của Nga cũng như xem xét việc sử dụng vắc-xin do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất, dù rằng cả hai loại vắc-xin nói trên đều không được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép. Trong khi đó, Áo và Ðan Mạch có kế hoạch hợp tác với I-xra-en để sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Lý giải về động thái này, Thủ tướng Áo X.Cuốt-dơ cho biết, EMA đã quá chậm chạp trong việc phê duyệt và gây tắc nghẽn nguồn cung của các công ty dược phẩm, bởi vậy, quốc gia Trung Âu này phải chuẩn bị cho trường hợp xuất hiện những biến thể mới và không chỉ phụ thuộc vào EU để sản xuất vắc-xin. Nhằm trấn an các nước EU, Ủy ban châu Âu (EC) cam kết sẽ tăng mạnh số lượng liều vắc-xin trong quý II-2021 nhờ vào các đơn đặt hàng mới với Moderna và Pfizer/BioNTech, sớm cấp phép lưu hành vắc-xin của hãng Johnson & Johnson…

Một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa các nước EU là những biện pháp kiểm soát biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Một số quốc gia châu Âu như Ðức, Bỉ, Ðan Mạch… đã áp đặt các biện pháp hạn chế ngặt nghèo tại khu vực biên giới, trong đó có cả lệnh cấm xuất cảnh và nhập cảnh đối với nhiều đối tượng. EC cảnh báo, những hành động đơn phương, "mạnh ai nấy lo" của các nước EU có nguy cơ làm gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trên thị trường chung. Hiện EC đang tìm cách nới lỏng một số hạn chế ở biên giới giữa các quốc gia EU. Khối này cũng đẩy mạnh nghiên cứu về đề xuất cấp "giấy thông hành Covid-19", loại giấy tờ chứng nhận cho những người đã được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển nội khối và cứu vãn ngành du lịch châu Âu trong mùa hè sắp tới.

Cuộc đương đầu với vi-rút SARS-CoV-2 của toàn thế giới vẫn còn rất dài và nhiều cam go. Châu Âu đang chật vật tìm cách vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba. Ðể đối phó cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch gây ra, những hành động "đơn thương độc mã" của các nước sẽ không giúp giải quyết được vấn đề, thay vào đó, EU càng cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất một chương trình hành động chung, qua đó đẩy mạnh đồng đều các nỗ lực tiếp cận vắc-xin trên toàn khối cũng như áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.