Châu Âu siết chặt kiểm soát trước mối đe dọa của làn sóng Covid-19 thứ hai

NDO -

Nhiều quốc gia tại châu Âu đang triển khai hàng loạt biện pháp để tránh nguy cơ bị cuốn vào làn sóng Covid-19 thứ hai, "cơn ác mộng" mà "lục địa già" không bao giờ muốn gặp lại.

Hành khách tại sân bay Gatwick, Anh, ngày 10-7. (Ảnh: Reuters)
Hành khách tại sân bay Gatwick, Anh, ngày 10-7. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 27-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO đã nhận được báo cáo về 16 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 640 nghìn người đã tử vong. 

“Và đại dịch tiếp tục tăng tốc. Trong sáu tuần qua, tổng số ca bệnh tăng gấp đôi”, ông Ghebreyesus nói. Do đó, WHO sẽ triệu tập Ủy ban Khẩn cấp vào cuối tuần này để đánh giá lại tình hình đại dịch và đưa ra tư vấn phù hợp.

Sau một thời gian giảm mạnh, số ca nhiễm mới tại Bỉ lại tiếp tục tăng trong ba tuần qua. Theo số liệu được công bố đầu tuần này, số ca Covid-19 tại Bỉ từ ngày 17 đến 23-7 tăng 71% so với bảy ngày trước đó.

Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes vừa công bố hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để tránh kịch bản phong tỏa toàn quốc khi số ca bệnh tăng vọt. Trước đó, Chính phủ Bỉ cảnh báo, nước này có thể phải đặt trong tình trạng “phong tỏa hoàn toàn” sau khi số ca nhiễm tăng đáng kể.

Từ ngày 29-7, các mối tiếp xúc bên ngoài phạm vi gia đình sẽ được giới hạn trong năm người, quy định này có hiệu lực trong bốn tuần. Hiện, mỗi người dân tại Bỉ được phép tiếp xúc 15 người khác. Biện pháp này không được áp dụng đối với trẻ dưới 12 tuổi. Ngoài ra, các sự kiện cộng đồng diễn ra trong nhà chỉ được phép tập trung tối đa 100 người, trong khi giới hạn đối với sự kiện ngoài trời là 200 người.

Theo bà Wilmes, các quy định mới có khả năng giúp Bỉ không phải tiếp tục thực thi các biện pháp hạn chế và bảo đảm học sinh có thể quay lại trường học vào tháng 9 tới sau kỳ nghỉ hè.

Nhà chức trách Pháp và Bỉ cùng khuyến cáo du khách nên hủy kế hoạch nghỉ hè tại TP Barcelona (Tây Ban Nha) và các bãi biển lân cận, bởi vì khu vực này có nhiều đám đông lớn tụ tập và do đó khó thực hiện giãn cách xã hội. Bộ Y tế Pháp kêu gọi người dân cảnh giác cao độ hơn sau khi có thêm nhiều người trẻ tuổi mắc Covid-19.

Hôm qua, Anh đã bất ngờ quyết định cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ Tây Ban Nha trong thời điểm chính quyền Madrid đang đương đầu với một đợt bùng phát dịch bệnh mới. Các khách sạn tại Tây Ban Nha khuyến cáo du khách nước ngoài nên làm xét nghiệm Covid-19 trước khi rời khỏi quê hương và xét nghiệm lại trước khi về nước.

Theo Liên đoàn Khách sạn và chỗ ở dành cho du khách của Tây Ban Nha, nếu quy định này có hiệu lực khắp châu Âu thì các du khách nước ngoài không nhất thiết phải cách ly khi họ về nước. Chủ tịch Liên đoàn này, ông Jorge Marichal cho biết, các khách sạn của Tây Ban Nha sẵn sàng trả chi phí xét nghiệm cho khách hàng vào cuối kỳ nghỉ của họ.

Thủ hiến vùng Catalonia, ông Quim Torra đánh giá, vùng này đang trong giai đoạn nguy cấp và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả cũng như biện pháp ở yên trong nhà đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai. Tuần trước, Catalonia đã yêu cầu mọi địa điểm hoạt động về đêm đóng cửa trong vòng 15 ngày và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại các quán bar ở trong và chung quanh TP Barcelona và TP Lleida.

Châu Âu siết chặt kiểm soát trước mối đe dọa của làn sóng Covid-19 thứ hai -0
Một quán bar gần bãi biển Barceloneta tại Barcelona, Tây Ban Nha hồi đầu tháng 7-2020. (Ảnh: Reuters)

Số ca Covid-19 tại Anh tính đến ngày 27-7 đã vượt mức 300 nghìn, trong khi đó, ông Helge Braun Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức hối thúc người dân nước này đưa số ca nhiễm tính theo ngày từ 800 ca xuống dưới mức 500 ca. Vào lúc cao điểm, Đức đã ghi nhận hơn 6.000 ca bệnh/ngày.

Theo ông Braun, số ca nhiễm mới tăng cao trong những ngày gần đây khiến các nhà chức trách quan ngại. Phần lớn các trường hợp lây nhiễm gần đây đều liên quan đến các cuộc tụ họp gia đình, du lịch và hoạt động giải trí. Mặt khác, để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 phát tán mà không rõ nguồn bệnh, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn thông báo Đức sẽ làm xét nghiệm cho những du khách trở về từ vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tại Italy, giới chức vùng Campania sẽ phạt người không đeo khẩu trang 1.000 euro. Quy định này được áp dụng đối với những người không đeo khẩu trang trong không gian khép kín như nhà công cộng, siêu thị, quán bar, nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng... Doanh nghiệp có thể phải đóng cửa từ 5 đến 30 ngày nếu vi phạm quy định đeo khẩu trang.  

Các hãng hàng không và công ty lữ hành đã “sống sót” trong làn sóng Covid-19 đầu tiên đang lo ngại rằng kế hoạch mở lại ngành công nghiệp không khói có thể thất bại thảm hại. Ryanair đã giảm 25% mục tiêu vận chuyển khách trong năm 2020. Hãng hàng không lớn nhất châu Âu này còn cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể đẩy mức cắt giảm cao hơn nữa. 

Có thể thấy với những trải nghiệm không thể nào quên khi còn là tâm dịch Covid-19 của thế giới, châu Âu đang rất thận trọng khi đối mặt với nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Linh hoạt điều chỉnh biện pháp khống chế dịch, khuyến cáo người dân những việc nên làm, đưa ra mức phạt và giới hạn nghiêm ngặt... là những biện pháp đang giúp “lục địa già” chuẩn bị cho một kịch bản xấu trong đại dịch toàn cầu hiện nay. 

Trong bối cảnh nhiều quốc gia không khỏi lo lắng dịch bệnh sẽ tái bùng phát khi người dân di chuyển nhiều hơn trong mùa hè năm nay, WHO cho rằng, hạn chế đi lại sẽ không phải là giải pháp dài hạn. Theo WHO, các biện pháp cơ bản như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang phải được triển khai để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Châu Âu siết chặt kiểm soát trước mối đe dọa của làn sóng Covid-19 thứ hai ảnh 2

Chủ động phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19)