Điểm thời sự

Châu Âu nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran M.Zonnour cho biết, các bên châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran có kế hoạch chi 15 tỷ USD để tài trợ cho Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) với Tehran. Ðây được cho là nỗ lực của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran bên bờ sụp đổ.

Cảng Bandar-Abbas của Iran. Ảnh THE MARITIME EXECUTIVE
Cảng Bandar-Abbas của Iran. Ảnh THE MARITIME EXECUTIVE

Theo quan chức Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã tiến hành các cuộc trao đổi với ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Ðức, vốn là các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trọng tâm của các cuộc thảo luận là thúc đẩy thực hiện INSTEX, một cơ chế thanh toán được ba nước này thiết lập nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại với Iran và giúp Tehran "né" các biện pháp trừng phạt của Washington.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran và các bên còn lại đã tiến hành các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận. Tuy nhiên, việc Liên hiệp châu Âu (EU) chưa thể bảo đảm lợi ích kinh tế cho Iran như cam kết khiến Tehran liên tục tuyên bố giảm bớt một số cam kết nhất định trong JCPOA, trong đó có gia tăng nguồn dự trữ urani được làm giàu. Nhận thấy những nguy cơ từ việc Iran cắt giảm các cam kết có thể dẫn tới sự đổ vỡ của JCPOA cũng như gây ra mối lo ngại cho khu vực, các nước châu Âu tuyên bố sẽ cứu vãn thỏa thuận này. Việc ba nước châu Âu nhất trí tài trợ 15 tỷ USD cho cơ chế INSTEX được cho là những nỗ lực thực hiện cam kết với Iran. Theo đó, khoản thanh toán này sẽ được thực hiện làm ba đợt, mỗi lần giải ngân năm tỷ USD, đồng thời theo đó, các vấn đề kinh tế liên quan hoạt động bán dầu mỏ của Iran cũng sẽ được giải quyết.

Mặc dù INSTEX của EU đã được kích hoạt, nhưng Tehran vẫn phàn nàn rằng cơ chế này thiếu tính khả thi trong việc trả tiền mua dầu cho Iran. Trong cuộc gặp gần đây giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran J.Zarif với người đồng cấp Phần Lan, nước hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU, hai bên đã thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan JCPOA, cũng như tầm quan trọng của việc vận hành đầy đủ INSTEX. Phía Iran bày tỏ hy vọng Phần Lan có thể giữ vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran, giúp thay đối đầu bằng đối thoại. Phía Phần Lan khẳng định, châu Âu đã đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề của Iran và tin rằng có thể giúp mang lại bầu không khí tích cực nhằm làm dịu căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran cũng cam kết sẽ duy trì thỏa thuận này cho dù ngày càng nhiều khó khăn.

Bất chấp sức ép gia tăng các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Iran vẫn tìm mọi cách để xuất khẩu dầu mỏ nhằm cứu nền kinh tế đang bị "bóp nghẹt". Bộ trưởng Dầu mỏ Iran B.Zanganeh khẳng định, Iran sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để xuất khẩu dầu mỏ và việc xuất khẩu dầu thô là quyền lợi hợp pháp của nước này. Thực tế, xuất khẩu dầu thô của Iran đã sụt giảm hơn 80% kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút Washington khỏi JCPOA và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Chính phủ Iran mới đây đã ký một hợp đồng trị giá 440 triệu USD với công ty dầu mỏ Petropars để thăm dò và khai thác mỏ khí đốt Belal ở vùng Vịnh, đồng thời cho biết ngành năng lượng Iran vẫn vận hành tích cực và hiệu quả. Tehran khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ không ngăn được ngành dầu khí của Iran phát triển. Theo thỏa thuận, Petropars sẽ sản xuất 14 triệu m3 khí đốt/ngày trong 34 tháng. Belal chính là mỏ khí đốt mà Qatar cũng sở hữu một phần, nằm cách đảo Lavan trên vùng Vịnh 90 km về phía nam.

Việc các nước Pháp, Anh, Ðức thúc đẩy cơ chế INSTEX nhằm chứng tỏ với Iran rằng châu Âu nỗ lực thực hiện cam kết trong JCPOA. Tuy nhiên, đối với Tehran, khi những lợi ích kinh tế chưa được bảo đảm thì việc tiếp tục giảm những cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân được coi là "con bài mặc cả" với phương Tây nhằm đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ.