Cảnh báo về tình trạng bạo lực trên thế giới

Viện Kinh tế và hòa bình (IEP), có trụ sở ở Sydney (Australia) vừa công bố báo cáo về chỉ số khung toàn cầu năm 2019, cảnh báo rằng, chủ nghĩa khủng bố vẫn lan rộng. Theo báo cáo, năm 2018, với khoảng 15 nghìn trường hợp, số người chết vì khủng bố trên toàn cầu đã giảm 15,2% so năm trước.

Tuy nhiên, số quốc gia chịu tác động vì tình trạng bạo lực cực đoan lại gia tăng, với 71 quốc gia có ít nhất một người chết do khủng bố và là mức cao thứ hai kể từ đầu thế kỷ 21. Mức giảm thương vong mạnh nhất là ở Iraq, trong khi tăng nhanh ở Afghanistan và Syria.

* Trong một tuyên bố, Chủ tịch điều hành IEP X.Ki-lê-li cho rằng, sự sụp đổ của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những lý do dẫn đến số nạn nhân chết do khủng bố giảm mạnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo IEP, tình hình còn mong manh, do giao tranh vẫn xảy ra tại nhiều khu vực ở Syria và một số nhóm cực đoan theo tư tưởng của IS gia tăng hoạt động.

* Trong khi đó, theo số liệu thống kê Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 19-11, hiện có gần 28 nghìn trẻ em thuộc 60 quốc gia còn mắc kẹt ở khu vực đông bắc Syria, một nửa trong số đó là trẻ dưới năm tuổi. Trong đó, có 20 nghìn trẻ em đến từ nước láng giềng Iraq. Theo LHQ, đến nay đã có 17 quốc gia tiến hành hồi hương cho khoảng 650 trẻ em khỏi khu vực xung đột ở Syria.

* Cùng ngày, LHQ cũng công bố báo cáo cho thấy, cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Sahel ở châu Phi, khi có khoảng 860 nghìn người phải bỏ nhà tránh bạo lực, chủ yếu tại các nước Burkina Faso, Mali và Niger. Tình trạng nghiêm trọng nhất là ở Burkina Faso, với gần nửa triệu người phải sơ tán, xung đột xảy ra ở một phần ba lãnh thổ nước này...