Cảnh báo về biến động kinh tế thế giới

Như Báo Nhân Dân đưa tin, trong Báo cáo đầu tư thế giới năm 2020, Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu giảm tới 40% trong năm nay. Theo UNCTAD, cú sốc từ Covid-19 ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm tại một số nước, nơi đại dịch vẫn diễn biến khó lường. Suy thoái kinh tế buộc các tập đoàn đa quốc gia thu hẹp đầu tư và đánh giá lại các dự án mới...

* Giới chuyên gia kinh tế quốc tế cũng cảnh báo, nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, thị trường lao động toàn cầu sẽ đối mặt biến động khó lường. Riêng tại châu Á, tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước chưa rơi vào tình trạng báo động, song khi xuất khẩu giảm mạnh hơn do khó khăn tại các nền kinh tế phương Tây, số lao động mất việc làm sẽ tăng cao. Covid-19 tác động nghiêm trọng nhất với lĩnh vực dịch vụ, mà đây lại là những ngành kinh tế nắm giữ tỷ lệ việc làm cao và khả năng phục hồi chậm.

* Ngày 7-7, Nhật Bản công bố Sách Trắng về kinh tế và thương mại quốc tế, trong đó nhấn mạnh, dịch Covid-19 đặt ra thách thức chưa từng có đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương. Nhật Bản kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng công nghệ để vượt qua thách thức. Chính phủ Nhật Bản công bố kết quả khảo sát cho thấy, chi tiêu gia đình ở nước này tháng 5 vừa qua giảm mức kỷ lục so cùng kỳ năm trước. 

* Trong khi đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại In-đô-nê-xi-a tháng 6 vừa qua tăng 6 điểm so mức của tháng trước đó. Theo Ngân hàng trung ương In-đô-nê-xi-a (BI), CCI được cải thiện là nhờ chính phủ áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế. Tuy nhiên, BI cảnh báo, về cơ bản, người dân “vẫn bi quan” về triển vọng kinh tế đất nước.

* Ngày 6-7, Phòng Thương mại Mỹ và hơn 40 hiệp hội thương mại cùng kêu gọi chính phủ nước này và Trung Quốc nỗ lực thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một hai bên ký đầu năm 2020, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ. Lời kêu gọi được đưa ra khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng gần đây liên quan dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm từng dọa hủy đàm phán thương mại giữa hai nước.

* Cùng ngày, Bộ Tài chính I-xra-en công bố báo cáo cho biết, do tác động của dịch Covid-19, thâm hụt ngân sách của nước này trong 12 tháng tính đến ngày 30-6 vừa qua ở mức 6,4% GDP; riêng nửa đầu năm 2020, thâm hụt ngân sách tăng hơn gấp đôi mức cùng kỳ năm trước. Ngân hàng trung ương I-xra-en dự báo, kinh tế nước này giảm 4,5% trong năm nay, thấp hơn so mức 6,2% mà Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) dự báo.

* Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Nga giảm 6% trong năm 2020 và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Kinh tế Nga chịu sức ép lớn từ cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, nhất là các lĩnh vực kinh doanh và dầu khí, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga.