Canada thúc đẩy thương mại tự do

Chính quyền Thủ tướng Canada J.Trudeau đang nỗ lực đa dạng hóa mối quan hệ thương mại của Ottawa với các đối tác. Tuy nhiên, việc đảng Tự do cầm quyền để mất thế đa số tại Quốc hội khiến chính phủ thiểu số gặp không ít khó khăn trong việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Một xưởng sản xuất ô-tô ở Canada. Ảnh TWTJ
Một xưởng sản xuất ô-tô ở Canada. Ảnh TWTJ

Thủ tướng Tru-đô nhấn mạnh các thành tựu quan trọng những năm gần đây của chính phủ, khi Ottawa liên tiếp ký được nhiều FTA sâu rộng với các đối tác trên thế giới, tạo động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Canada. Chính quyền Canada luôn chú trọng bảo đảm các nguyên tắc về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn lao động và quyền lợi của người bản địa, vì vậy đã giúp người dân Canada "không bị bỏ lại phía sau" trong các hiệp định thương mại kiểu mới. Theo Thủ tướng Trudeau, chính việc sẵn sàng bảo đảm nguyên tắc đó giúp Canada đạt các thỏa thuận thương mại quan trọng, như FTA với Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Canada là quốc gia duy nhất trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) có FTA song phương với tất cả đối tác trong G7. Canada cũng tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, đối tác lớn thứ hai của Canada. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại thời gian qua giữa Trung Quốc và Mỹ, thị trường chiếm 75% tổng giá trị xuất khẩu của Canada, khiến Ottawa gặp không ít trở ngại.

Phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ba nước thành viên, gồm Canada, Mỹ và Mexico khởi động đàm phán hồi tháng 8-2017. Sau hơn một năm đàm phán căng thẳng, tháng 11-2018, ba nước đã đạt được một thỏa thuận "NAFTA 2.0", mà Washington gọi là Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), trong khi Ottawa gọi là CUSMA. Ðược đánh giá là một thỏa thuận "cùng thắng" của Mỹ, Mexico và Canada, CUSMA bao trùm một thị trường rộng lớn với hơn 500 triệu dân, có giá trị trao đổi thương mại giữa ba nước thành viên đạt hơn 1.100 tỷ USD mỗi năm.

Hiện "NAFTA 2.0" chỉ còn chờ Quốc hội Canada thông qua, bước cuối cùng để đưa hiệp định vào thực thi. Mexico là thành viên đầu tiên phê chuẩn CUSMA hồi tháng 6-2019. Trong khi đó, "cửa ải" từng được cho là khó khăn nhất với CUSMA là Quốc hội Mỹ, bởi nội bộ chính giới Mỹ tranh cãi gay gắt về các điều khoản liên quan lao động và môi trường trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, CUSMA đã vượt qua "cửa ải" này hôm 16-1, khi được Thượng viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Mỹ D.Trump ký phê chuẩn ngay sau đó vài ngày.

Thủ tướng Canada J.Trudeau tin tưởng, chính phủ thiểu số do đảng Tự do lãnh đạo sẽ có đủ số phiếu để phê chuẩn CUSMA. Chính quyền Ottawa đã khởi động tiến trình phê chuẩn "NAFTA 2.0" cuối tháng 1 vừa qua. Canada cũng tích cực đi đầu trong việc kêu gọi cải cách và hiện đại hóa Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cơ chế duy nhất giải quyết các vấn đề liên quan thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, nguyên tắc trợ cấp và quy tắc mua sắm chính phủ, vốn không được quy định trong CUSMA. Ngoài ra, các quy tắc tranh chấp của WTO vẫn là cách thức ưu tiên để giải quyết các vấn đề xung đột thương mại giữa Canada và Mỹ.

Tuy nhiên, do mất thế đa số tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10-2019, đảng Tự do cần sự ủng hộ của ít nhất một chính đảng đối lập để thông qua CUSMA. Hiện, đảng Dân chủ mới đề nghị rà soát lại một cách kỹ lưỡng thỏa thuận thương mại tự do mới giữa ba nền kinh tế lớn nhất Bắc Mỹ. Ðảng Bảo thủ đối lập được dự báo có thể miễn cưỡng ủng hộ văn kiện này vì những lợi ích cho nền kinh tế Canada, trong khi đó Khối Quebec tuyên bố phản đối hoàn toàn hiệp định này.

Chính quyền Thủ tướng G.Tru-đô vẫn tích cực ủng hộ các hệ thống thương mại tự do, mở và công bằng, thông qua việc thúc đẩy phê chuẩn CUSMA. Nếu CUSMA sớm được Quốc hội Canada thông qua, ba nước tham gia sẽ có ba tháng để thảo luận về các quy định quản lý hiệp định trước khi đưa thỏa thuận vào thực thi, có thể là trong mùa hè năm 2020.