Thế giới ngày qua

Cam-pu-chia: Phát động kế hoạch phát triển quốc gia

Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen đã phát động Kế hoạch phát triển chiến lược quốc gia trong 5 năm (2019-2023), trị giá 60 tỷ USD. Thủ tướng Hun Xen nêu rõ kế hoạch được đề ra nhằm bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế bền vững khoảng 7%/năm trong dài hạn và giảm tỷ lệ nghèo ở Cam-pu-chia xuống dưới mức 10%.

Ông nhấn mạnh kế hoạch này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Cam-pu-chia trở thành một quốc gia có mức thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2050. Theo kế hoạch, Cam-pu-chia sẽ dành ưu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực, hệ thống giao thông đường bộ, nước và điện.

EU: Hy vọng Mỹ không áp thuế đối với ô-tô

Chủ tịch sắp mãn nhiệm Ủy ban châu Âu (EC) G.Giăng-cơ cho biết, ông tin rằng Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế mới đối với ô-tô nhập khẩu của Liên hiệp châu Âu (EU) trong những ngày tới. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế đối với ô-tô nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành chế tạo ô-tô, một biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ. Sau khi thông báo hoãn kế hoạch này hồi tháng 5, ông Ð.Trăm tuyên bố sẽ đưa ra quyết định chính thức vào giữa tháng 11 liệu có áp thuế bổ sung đối với các loại xe sản xuất tại các nước thành viên EU hay không.

Nga: Nêu điều kiện cắt giảm vũ khí chiến lược

Thứ trưởng Ngoại giao Nga X.Ri-áp-cốp tuyên bố, Nga sẽ không thảo luận việc đưa vũ khí mới của Nga vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Nga - Mỹ (START-3), nếu hiệp ước không được sửa đổi. Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.E-xpơ đã đề xuất đưa tất cả các vũ khí mới của Nga vào START-3. START-3 được ký năm 2010 và hiện là hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất hiện nay giữa Nga và Mỹ, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021. Theo Tổng thống Nga V.Pu-tin, tình hình trên thế giới sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu Mỹ từ chối gia hạn START-3, bởi đây là công cụ duy nhất để hạn chế chạy đua vũ trang.

U-crai-na: Ðàm phán với IMF về khoản vay mới

Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) G.Rai-xơ tuyên bố, các cuộc đàm phán giữa IMF và U-crai-na về gói vay mới đang diễn ra, tuy nhiên chính quyền Ki-ép sẽ cần giải quyết vấn đề tham nhũng và bảo đảm tính thượng tôn pháp luật. Ðể thu hút vốn đầu tư cần thiết, U-crai-na cần thúc đẩy một số cải cách cơ cấu, duy trì những chính sách tài chính và tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. IMF đánh giá cuộc thương lượng giữa đại diện IMF và U-crai-na về khoản vay mới đạt tiến bộ giúp Ki-ép sớm nhận được khoản vay mới từ 5 đến 10 tỷ USD.