Các nước tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân I-ran

Như Báo Nhân Dân đưa tin, tại hội nghị bàn cách thức cứu thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), diễn ra tại Viên (Áo) ngày 25-5, đại diện năm cường quốc (trừ Mỹ) trong nhóm P5+1 và I-ran đã nhất trí đẩy nhanh bù đắp cho việc Mỹ rút khỏi JCPOA và áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống I-ran. Tê-hê-ran hối thúc châu Âu đưa ra gói biện pháp kinh tế, dự kiến ngày 31-5 tới, nhằm duy trì hoạt động đầu tư và mua dầu mỏ của I-ran.

★ Theo Roi-tơ và Tân Hoa xã, Thứ trưởng Ngoại giao I-ran A.A-rắc-chi cho biết, ông tin tưởng hơn về khả năng cứu thỏa thuận hạt nhân JCPOA sau khi tiến hành các cuộc đàm phán với năm cường quốc, trong đó các nước đều khẳng định lại các cam kết trong thỏa thuận. Tuần tới, các bên tiếp tục đàm phán và I-ran sẽ quyết định về việc duy trì JCPOA. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng I-ran A.Ha-ta-mi chỉ trích việc Mỹ rút khỏi JCPOA là hành động gây tổn hại hòa bình và ổn định toàn cầu. Theo ông Ha-ta-mi, Mỹ đã vi phạm thỏa thuận và các nước khác cần bù đắp vì điều đó.

★ Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua, Tổng thống Nga V.Pu-tin cảnh báo, tất cả đều thất bại một khi thỏa thuận hạt nhân I-ran đổ vỡ; các nước cần mở cánh cửa thương lượng nếu muốn bảo vệ thỏa thuận. Ông Pu-tin cho rằng, dù đã rút khỏi JCPOA, song Mỹ không “đóng cánh cửa” để có được một thỏa thuận với Tê-hê-ran.

★ Tổng thống Pháp E.Ma-crông bày tỏ hy vọng Mỹ trở lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân I-ran; khẳng định Pháp sẽ tiếp tục làm việc với Tổng thống Mỹ về vấn đề này, bất chấp giữa hai nhà lãnh đạo còn những bất đồng. Ông Ma-crông cho rằng, các công ty Pháp cần tự quyết định phản ứng với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt chống I-ran.

★ Trung Quốc cho biết, nước này mong chờ một đồng chủ tịch mới của nhóm làm việc về thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân A-rắc của I-ran sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Theo thỏa thuận ký tháng 7-2015, Mỹ và Trung Quốc là đồng chủ tịch nhóm này, nhằm duy trì sản lượng plu-tô-ni-um ở cấp độ không thể sản xuất vũ khí hạt nhân.