Các nước thu nhập thấp và trung bình thấp mới tiếp cận được 17% vaccine ngừa Covid-19

NDO -

Chiếm 53% dân số thế giới, những quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao đã tiếp cận được 83% số vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp chiếm 47% dân số thế giới nhưng chỉ có được 17% số vaccine trên toàn cầu. 

Người dân Ấn Độ được tiêm ngừa Covid-19. (Ảnh: AP)
Người dân Ấn Độ được tiêm ngừa Covid-19. (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp báo ngày 10-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus đánh giá, trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 đang ở mức ổn định. Phần lớn các khu vực trên thế giới, trong đó có châu Mỹ và châu Âu, hai châu lục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch, ghi nhận đà giảm số ca mắc mới và tử vong. 

Tuy nhiên, con số này vẫn đang tăng nhanh tại khu vực Đông - Nam Á. Tất cả các khu vực đều chứng kiến một số quốc gia ghi nhận đà tăng số ca mắc mới và tử vong.

Ngày 10-5, Quỹ WHO đã công bố chương trình “Together for India” để gây quỹ ủng hộ các hoạt động của WHO tại Ấn Độ, trong đó có mua oxy y tế, thiết bị bảo hộ cá nhân và thuốc. Để ủng hộ chương trình này, các cá nhân, tổ chức có thể vào website who.foundation, tìm nút “Donate” và lựa chọn “Together for India”.

WHO đánh giá, nhìn chung thế giới vẫn đang trong tình thế nguy hiểm. Trong những nhân tố tác động đến sự lây lan của dịch bệnh, Tổng Giám đốc WHO nhắc đến sự lây lan của các biến thể, việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng và tiếp cận vaccine thiếu công bằng.

Vaccine ngừa Covid-19 đang làm giảm ca bệnh nặng và tử vong tại các quốc gia may mắn có đủ số lượng vaccine. Các kết quả ban đầu cho thấy, vaccine có thể làm giảm đà lây lan Covid-19. Song, sự cách biệt trong tiếp cận vaccine vẫn là một trong những thách thức lớn nhất để kết thúc đại dịch.

Chiếm 53% dân số thế giới, những quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao đã tiếp cận được 83% số vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp chiếm 47% dân số thế giới nhưng chỉ có được 17% số vaccine trên toàn cầu. Giải quyết sự thiếu cân bằng này trên quy mô toàn cầu là một phần thiết yếu của lời giải cho “bài toán Covid-19”.

“Thế giới có nhiều loại vaccine để phòng ngừa nhiều loại bệnh. Đối với mỗi loại bệnh, thế giới lại cần nhiều loại vaccine và các biện pháp y tế cộng đồng. Đối với Covid-19 cũng vậy”, ông Ghebreyesus cho biết. 

Ngoài vaccine, chúng ta cũng có thể ngăn chặn sự lây nhiễm bằng các công cụ y tế cộng đồng đã cho thấy tính hiệu quả tại nhiều nơi. Ngay cả tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, năng lực y tế cộng đồng vẫn phải được nâng cao để chuẩn bị ứng phó nguy cơ các biến thể kháng lại vaccine và các trường hợp khẩn cấp trong tương lai.

Do vậy, thông điệp Tổng Giám đốc WHO gửi tới các cá nhân là, tất cả những lần tiếp xúc với người khác bên ngoài ngôi nhà của bạn đều là rủi ro, mức độ rủi ro phụ thuộc vào kiểu tiếp xúc, thời gian tiếp xúc và mức độ lây nhiễm tại khu vực bạn sống. Mỗi lần tiếp xúc đều có thể mang theo nguy cơ nhỏ, tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ càng cao.

Tại các quốc gia ở bắc bán cầu, thời tiết đang ấm lên, người dân tụ tập nhiều hơn. Trong khi đó, tại nam bán cầu, nhiệt độ giảm khiến người dân muốn ở trong nhà hơn. Cả hai điều kiện này đều tiềm ẩn rủi ro, nhưng kiểu rủi ro khác nhau. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, khi bạn biết rủi ro bạn có thể gặp phải là gì, bạn có thể hạ thấp nó. 

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư