Các nước thận trọng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

Tính đến ngày 5-6, thế giới ghi nhận hơn 6,7 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 393.500 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là hơn 3,2 triệu người. Mỹ vẫn đang là tâm dịch của thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc và hơn 110 nghìn người chết. Xếp sau Mỹ về số ca tử vong là Anh, với gần 40 nghìn ca.

★ Tổng thống Argentina A.Phéc-nan-đết thông báo quyết định kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc thêm ba tuần, tới ngày 28-6. Tổng thống cho biết, những nỗ lực chống dịch Covid-19 mà Argentina thực hiện đã đem lại kết quả đáng khích lệ, song chưa thể ngăn chặn dứt điểm sự lây lan của dịch bệnh.

★ Chính phủ Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để bảo đảm tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh nước này trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai tại Mỹ latinh, chỉ sau Brazil. Một phái đoàn chuyên gia y tế Cuba gồm 85 bác sĩ và y tá đã tới thủ đô Lima để hỗ trợ Peru đối phó dịch bệnh.

★ Chính phủ Uruguay và Brazil nhất trí triển khai các cơ chế hợp tác nhằm tiến hành chẩn đoán và giám sát dịch tễ tại khu vực biên giới giữa hai nước. Hai bên cũng thống nhất thành lập một đơn vị giám sát y tế chung.

★ Chính phủ Thụy Ðiển thông báo, những người không có triệu chứng mắc Covid-19 có thể đi lại trong nước từ ngày 13-6 tới, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Số ca mắc ở nước này giảm và nhiều khu vực tăng cường xét nghiệm.

★ Phần Lan cho biết, sẽ chính thức đưa vào sử dụng một ứng dụng di động trên toàn quốc nhằm theo dõi tiếp xúc của người dân để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19 vào tháng 8 tới. Phần Lan đến nay ghi nhận gần 7.000 ca nhiễm.

★ Chính phủ Tây Ban Nha ra tuyên bố chính thức rằng, việc mở cửa biên giới chỉ bắt đầu từ ngày 1-7 thay vì thông báo trước đó là vào ngày 22-6. Theo thông báo mới, hoạt động di chuyển trong nước sẽ được nối lại từ ngày 22-6 nhưng việc kiểm soát biên giới có thể được kéo dài sau khi tình trạng khẩn cấp dự kiến hết hạn vào ngày 21-6 tới.

★ Ủy viên phụ trách vấn đề nội vụ của Liên hiệp châu Âu (EU) Y.Johansson cho biết, Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên mở cửa toàn bộ biên giới trong EU vào cuối tháng 6 này khi cho rằng tình hình dịch bệnh đang được cải thiện nhanh chóng tại nhiều quốc gia.

★ Bồ Ðào Nha thông báo kế hoạch giảm nhẹ những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, trong bối cảnh nước này đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế đột ngột nhất kể từ cuộc khủng hoảng hồi năm 1929. Một khoản trợ cấp bổ sung nhằm ổn định thu nhập cho những người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giải ngân trong tháng 6 này, với số tiền lên đến 350 ơ-rô/người.

★ Giới chức hàng không Ðan Mạch tuyên bố, đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc tại các sân bay của nước này đối với tất cả hành khách kể từ ngày 15-6. Thủ tướng Ðan Mạch thông báo mở cửa trở lại các đường biên giới với Ðức, Na Uy và Iceland từ ngày 15-6.

★ Bộ trưởng Giao thông Anh G.Shapps tuyên bố, quy định đeo khẩu trang sẽ là bắt buộc khi người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng kể từ ngày 15-6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Ðây là một phần trong kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm và số người chết giảm.

★ Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 39 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 5-6. Viện Y tế quốc gia Hàn Quốc tổ chức tập huấn về sử dụng chung phòng bệnh để đối phó tình huống phát sinh nhiều ca mắc Covid-19 ở Seoul và vùng phụ cận.

★ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, sẽ nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với 18 quốc gia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới. Như vậy, danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 3 của Nhật Bản sẽ áp dụng với 129 nước và vùng lãnh thổ.

★ Cơ quan thống kê của Philippines ngày 5-6 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 4 đã tăng mức kỷ lục 17,7%. Ít nhất 7,3 triệu người mất việc làm do dịch Covid-19. Philippines và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký thỏa thuận vay trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ người nghèo và người lao động bị tác động bởi đại dịch.

★ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) cho biết, các nước châu Phi sẽ tiếp nhận tổng cộng 90 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 trong vòng sáu tháng tới. Ðến thời điểm hiện nay, các nước châu Phi đã xét nghiệm cho 3,4 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 1.700 xét nghiệm/triệu người.

★ Hội nghị cấp cao vaccine toàn cầu 2020 do Anh chủ trì đã kêu gọi được 8,8 tỷ USD tài trợ từ 32 chính phủ và 12 quỹ, công ty và các tổ chức trên toàn thế giới để sản xuất các loại vaccine phòng, chống dịch bệnh, trong đó có khoản giúp thế giới chống đại dịch Covid-19.