Các nước nỗ lực phục hồi kinh tế

Theo TTXVN, Tân Hoa xã và tin nước ngoài, Bộ Tài chính Ma-lai-xi-a ngày 31-7 khởi động chương trình tín dụng ePENJANA, trị giá 750 triệu rinh-ghít (gần 180 triệu USD). Theo đó, dành hỗ trợ cho công dân từ 18 tuổi, có thu nhập dưới 100.000 rinh-ghít/năm. Đây là một trong những sáng kiến trong Kế hoạch phục hồi kinh tế có tên Penjana nhằm thúc đẩy chi tiêu ở Ma-lai-xi-a.

* Sau nhiều tháng áp đặt phong tỏa để khống chế dịch Covid-19, Chính phủ En Xan-va-đo dự định cho phép thêm các ngành sản xuất công nghiệp, các khu mua sắm, nhà hàng và giao thông công cộng hoạt động trở lại, trong khuôn khổ kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.

* Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) gửi một lô hàng viện trợ nặng 60 tấn, gồm các vật tư y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm, tới Tuốc-mê-ni-xtan nhằm hỗ trợ nước này ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

* Trong khi đó, dịch Covid-19 hoành hành tiếp tục đẩy nhiều nền kinh tế gặp khó khăn. Hãng xếp hạng tín dụng Fitch hạ triển vọng kinh tế Mỹ, từ mức ổn định xuống tiêu cực, với lý do có sự suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động tài chính công, trong khi thiếu kế hoạch củng cố cân bằng tài chính sau đại dịch.

* Cơ quan Thống kê quốc gia I-ta-li-a thông báo, GDP của nước này trong quý II-2020 sụt giảm 12,4% so quý trước đó, trong khi các biện pháp phong tỏa khiến sản lượng kinh tế lùi về mức cách đây 25 năm. Sụt giảm GDP khiến nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng ơ-rô này rơi vào suy thoái kỹ thuật.

* Tương tự I-ta-li-a, trong quý II, kinh tế Bồ Đào Nha suy giảm 14,1%, trong bối cảnh nước này áp đặt phong tỏa để chống dịch. Cùng mức GDP suy giảm 3,8% trong quý I, nền kinh tế Bồ Đào Nha cũng rơi vào suy thoái kỹ thuật.

* Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ đã thông báo lỗ 1,1 tỷ USD trong quý II vừa qua, trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm do dịch bệnh buộc cắt giảm chi phí đầu tư. Tập đoàn dầu khí Total của Pháp cũng thông báo khoản lỗ ròng tới 8,4 tỷ USD, do giá dầu giảm vì tác động của dịch Covid-19...