Bùng phát dịch tả tại Zimbabwe, 20 người chết

NDO -

NDĐT- Ngày 11-9, Zimbabwe ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc sau khi dịch tả bùng phát tại thủ đô Harare làm 20 người chết, khoảng 2.000 nhiễm bệnh.

Bệnh nhân đang chờ được điều trị y tế tại một điểm điều trị y tế tạm thời tại thủ đô Harare (Zimbabwe), ngày 11-9. Ảnh: Reuters.
Bệnh nhân đang chờ được điều trị y tế tại một điểm điều trị y tế tạm thời tại thủ đô Harare (Zimbabwe), ngày 11-9. Ảnh: Reuters.

Vào tuần trước, dịch tả bắt đầu bùng phát tại các khu vực nội đô có mật độ dân cư cao như Glen View và Budiriro tại thủ đô Harare. Tính đến thời điểm hiện tại, 20 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người đã nhiễm bệnh kể từ khi dịch bùng phát, đồng thời dịch đã lan ra các vùng khác tại Zimbabwe.

Tân Bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo cho biết, Chính phủ Zimbabwe đang lên kế hoạch ban hành các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bao gồm việc cấm các nhà cung cấp thực phẩm bán các loại thực phẩm như thịt, cá và tạm đóng cửa các lớp học tại các trường trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Việc ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Harare cho phép chúng tôi ngăn ngừa dịch tả, thương hàn và những gì đang diễn ra. Chúng tôi không muốn có thêm bất cứ trường hợp tử vong nào”, Bộ trưởng Y tế Zimbabwe tuyên bố sau chuyến thị sát việc điều trị các bệnh nhân tại một bệnh viện ở thủ đô Harare.

Bộ trưởng Obadiah Moyo cho biết, dịch bùng phát có nguyên nhân từ sự cố vỡ ống cống làm ô nhiễm nguồn nước từ các giếng nước tự nhiên và giếng khoan được người dân sử dụng.

Tại thủ đô Harare, đa số cư dân sinh sống tại các khu vực nội đô có mật độ cư dân cao đều phụ thuộc vào nguồn nước từ các giếng nước tự nhiên và các giếng nước khoan, do nguồn nước sạch được cung cấp bởi hội đồng thành phố bị gián đoạn.

Bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo cho biết, Chính phủ Zimbabwe đã yêu cầu sự trợ giúp từ các tổ chức của Liên hợp quốc cũng như từ các công ty tư nhân, để cung cấp nước sạch cho cư dân sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Năm 2008, dịch tả cũng đã bùng phát tại Zimbabwe làm hơn 4.000 người chết và gần 100 nghìn người nhiễm bệnh.

* Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm

* Cảnh báo nguy cơ dịch tả lợn châu Phi