Brazil ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong do Covid-19 nhất trong ngày qua

NDO -

Theo Worldometers, trong ngày qua, Brazil tiếp tục vượt Mỹ về số ca mắc mới và tử vong do Covid-19. Brazil ghi nhận 78.297 ca mắc mới và 2.207 ca tử vong, trong khi con số này của Mỹ lần lượt là 61.579 và 1.501.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của người bệnh Covid-19 tại bệnh viện dã chiến ở bang Para, Brazil. (Ảnh: Getty Images)
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của người bệnh Covid-19 tại bệnh viện dã chiến ở bang Para, Brazil. (Ảnh: Getty Images)

Tại châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Ông Biden, người đã ký ban hành luật cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris tại Phòng Bầu dục, mô tả biện pháp này là đạo luật lịch sử nhằm "xây dựng lại sức mạnh của đất nước".

Ông Biden phát biểu trước khi ký: "Trong những tuần diễn ra thảo luận và tranh luận về dự luật này, rõ ràng là một tỷ lệ phần trăm lớn người dân Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch Giải cứu Mỹ. Tiếng nói của người dân đã được lắng nghe". Trước đó, Quốc hội Mỹ ngày 10-3 đã thông qua gói cứu trợ, vốn là ưu tiên lập pháp đầu tiên và cấp bách nhất của ông Biden kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2021. 

Chính phủ Argentina ngày 11-3 thông báo sẽ giảm tiếp nhận các chuyến bay từ Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Brazil và các nước Mỹ Latinh khác kể từ tuần tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo quyết định trên, số chuyến bay từ Brazil, Mexico và châu Âu sẽ giảm 20%; từ Chile, Colombia, Ecuador, Panama và Peru sẽ giảm 30%; và từ Mỹ sẽ giảm 10%. Đây là biện pháp mới nhất nhằm hạn chế sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, Argentina sẽ không đóng cửa hoàn toàn biên giới như từng được áp dụng khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện. Đến nay Argentina đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca mắc Covid-19 khiến 53.493 người tử vong. 

Tại khu vực Đông Phi, Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, khi chiến dịch tiêm phòng được bắt đầu triển khai trong khu vực vài ngày gần đây. Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Kagame (63 tuổi) xác nhận ông và vợ đã được tiêm phòng. Tuy nhiên, ông không nêu rõ đã được tiêm loại vaccine nào.

Vào tháng 2-2021, Rwanda là quốc gia Đông Phi đầu tiên triển khai tiêm vaccine chống Covid-19. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao, trong đó có các nhân viên y tế đã được ưu tiên tiêm phòng ngay sau khi Rwanda mua được 1.000 liều Moderna. Nước này có kế hoạch tiêm chủng cho 30% trong tổng số 12 triệu dân trong năm 2021 và 60% dân số vào năm 2022. Đến nay, Rwanda đã nhận được khoảng 100 nghìn liều vaccine của Pfizer-BioNTech và 240 nghìn liều vacine của AstraZeneca/Oxford. Khoảng 230 nghìn người đã được tiêm vaccine.

Kể từ khi dịch bùng phát, Rwanda đã áp đặt một số biện pháp nghiêm ngặt nhất để phòng chống virus SARS-CoV-2 lây lan và là một trong những nước đầu tiên của châu Phi đóng cửa hoàn toàn hồi tháng 3-2020. Thủ đô Kigali đã bị tái phong tỏa toàn bộ vào tháng 1-2021 sau khi số ca nhiễm mới gia tăng.

Một số nước khác ở khu vực Đông Phi như Kenya và Uganda cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Ethiopia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở khu vực, cũng sẽ bắt đầu triển khai tiêm phòng vào ngày 12-3.

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 50 triệu dân trước mùa thu năm nay. Từ ngày 14-1 vừa qua, quốc gia có dân số khoảng 83 triệu người này đã tiêm chủng khoảng 10,56 triệu liều vaccine do hãng dược Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc sản xuất. Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nước này đã ghi nhận 2,82 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 29 nghìn người đã tử vong.

Đức sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine của hãng AstraZeneca do chưa có bằng chứng rõ rệt nào về các phản ứng phụ nghiêm trọng từ việc tiêm phòng loại vaccine này. Thông báo của Viện Paul Ehrlich (PEI), cơ quan chuyên trách phê duyệt vaccine của Đức, tối 11-3 khẳng định, cho tới nay không có bằng chứng cho thấy ca tử vong ở Đan Mạch có liên quan đến vaccine của AstraZeneca.

Theo PEI, với những kết quả kiểm tra sơ bộ, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã tái khẳng định những đách giá tích cực đối với loại vaccine này. Việc có 30 người gặp sự cố về huyết khối gây tắc mạch trong số gần năm triệu người được tiêm vaccine của AstraZeneca chỉ tương đương với tỷ lệ ghi nhận trong dân số khi họ không được tiêm chủng. 

Đức đưa ra tuyên bố trên sau khi có một số nước trong khu vực như Đan Mạch, Na Uy và Iceland báo cáo về một số trường hợp bị rối loạn đông máu sau khi được tiêm phòng vaccine.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 12-3 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 119.099.771 ca mắc, 2.640.963 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 29.924.708 ca mắc, 543.692 ca tử vong
2. Ấn Độ: 11.305.979 ca mắc, 158.326 ca tử vong
3. Brazil: 11.284.269 ca mắc, 273.124 ca tử vong
4. Nga: 4.360.823 ca mắc, 90.734 ca tử vong
5. Anh: 4.241.677 ca mắc, 125.168 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.403.722 ca mắc, 38.049 ca tử vong 
2. Philippines: 607.048 ca mắc, 12.608 ca tử vong
3. Malaysia: 319.364 ca mắc, 1.200 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.114 ca mắc, 3.201 ca tử vong  
5. Singapore: 60.070 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 26.598 ca mắc, 85 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.533 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 1.063 ca mắc, 01 ca tử vong
9. Brunei: 192 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 48 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 35.749.011 ca mắc, 848.137 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 34.372.513 ca mắc, 785.745 ca tử vong 
3. Châu Á: 25.890.468 ca mắc, 407.458 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 18.997.285 ca mắc, 491.302 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.037.626 ca mắc, 107.207 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 52.147 ca mắc, 1.099 ca tử vong

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan