Bỉ tìm giải pháp chuyển đổi thay thế điện hạt nhân vào năm 2025

NDO -

Chính phủ Bỉ mới đây xác nhận, nước này sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025, theo luật loại bỏ dần điện hạt nhân được thông qua năm 2003, quy định thời gian biểu cho việc đóng cửa dần các lò phản ứng hạt nhân của nước này, sau 40 năm hoạt động để chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch khác.

Nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh: Electrabel)
Nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh: Electrabel)

Theo đó, Bỉ sẽ dần đình chỉ hoạt động từ năm 2022 đến 2025 toàn bộ bảy lò phản ứng hạt nhân tại hai nhà máy điện hạt nhân Doel ở Flanders và Antwerp, gần biên giới với Hà Lan, gồm bốn lò phản ứng hạt nhân có công suất tích lũy 2.934 MW. Còn nhà máy Tihange ở Wallonia (cách Liège 30 km), có ba lò phản ứng hạt nhân với công suất tích lũy 3.008 MW do Electrabel - Công ty con của Tập đoàn Engie của Pháp, vận hành toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của nước này. Engie cũng đã thông báo ngừng các khoản đầu tư cần thiết vào dự án kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân. 

Theo luật 2003, từ năm 2015 đến 2025, Bỉ cho đóng cửa các tổ máy lâu đời nhất gồm Doel 1, nằm trên sông Escaut ở Antwerp, vào giữa tháng 2-2015 và Doel 2 và Tihange 1 cũng ngừng sản xuất điện trong cùng năm. Bốn lò phản ứng khác gồm Doel 3 và 4, Tihange 2 và 3 sẽ ngừng hoạt động từ năm 2022 đến 2025.

Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Herman van Rompuy năm 2009 đã quyết định kéo dài tuổi thọ hoạt động của ba lò phản ứng lâu đời nhất lên 50 năm, tức là đến năm 2025 (quyết định đã được Quốc hội Bỉ bỏ phiếu thông qua vào tháng 6-2015). 

Như vậy, theo lịch trình mới nhất, các tổ máy Doel 3 và Tihange 2 phải đóng cửa lần lượt vào năm 2022 và 2023 (40 năm sau khi bắt đầu hoạt động). Các lò phản hạt nhân ứng khác gồm Doel 4 và Tihange 3 (sau 40 năm hoạt động) và Doel 1 và 2 cũng như Tihange 1 (sau 50 năm hoạt động) diễn ra vào cuối năm 2025.

Tháng 9-2020, một chính phủ liên minh gồm bảy đảng, được thành lập 16 tháng sau cuộc bầu cử lập pháp, tái khẳng định sẽ loại bỏ điện hạt nhân. Thời gian biểu cho việc loại bỏ điện hạt nhân sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Thủ tướng Alexander De Croo cho biết: “Việc trì hoãn một lịch trình đã được quyết định không giúp ích gì cho chúng tôi khi phải đưa ra lựa chọn cho tương lai. Chúng tôi sẽ làm điều đó một cách sáng suốt để quản lý giai đoạn ngừng cung cấp điện hạt nhân vào năm 2025”. 

Để bảo đảm cung cấp điện cho đất nước, chính phủ phải đưa ra các giải pháp thay thế để bù đắp cho 6GW công suất điện hạt nhân sau khi đóng cửa các nhà máy.

Cùng với việc xây dựng mới các nhà máy điện khí đốt và đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, các giải pháp bổ sung khác được lên kế hoạch như: Quản lý nhu cầu, kết nối với mạng lưới điện các nước lân cận và giảm lượng điện tiêu thụ.

Hiện nay, bảy lò phản ứng hạt nhân tại hai nhà máy hạt nhân Tihange và Doel, trong đó nhà máy điện Doel, là một trong những nhà máy có tuổi đời lâu nhất ở châu Âu. Năm 2012, lò phản ứng Doel 3 phải ngừng hoạt động một thời gian sau khi có nghi ngờ về đường nứt trong bể chứa trung tâm và chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi đạt tiêu chuẩn an toàn.

Điện hạt nhân tại Bỉ hiện cung cấp gần một nửa sản lượng, trong khi sản lượng điện từ năng lượng xanh chỉ đạt 11,68%, thấp hơn 13% so mục tiêu của châu Âu đặt ra cho Bỉ.

Kỹ sư vật lý người Bỉ Laurent Minguet cho rằng: “Điện hạt nhân không có tương lai, chúng ta phải từ bỏ nó, nhưng sẽ mất 15 đến 20 năm để có thể trở thành nước sử dụng 100% năng lượng tái tạo”. 

Theo ông Laurent Minguet, bốn nguồn năng lượng tái tạo được lựa chọn để thay thế điện hạt nhân gồm: Năng lượng gió, mặt trời, điện sinh khối cùng với thủy điện và địa nhiệt.

Một nghiên cứu do Elia (nhà điều hành mạng lưới truyền tải điện cao thế) thực hiện cho thấy, nếu không sử dụng điện hạt nhân, mức thâm hụt nguồn cung cho mùa đông 2025-2026 sẽ là 3,9 GW. Còn CREG (Ủy ban điều tiết điện và khí đốt) lạc quan hơn cho rằng, mức thâm hụt sẽ ở mức 2,2 đến 2,4 GW.

Tuy vậy, Bỉ vẫn bỏ ngỏ có khả năng có thể gia hạn hai lò phản ứng hạt nhân Tihange 3 và Doel 4, nếu nguồn cung cấp điện của đất nước bất ổn. Trong một thông cáo báo chí, Electrabel cho biết, họ vẫn đang chờ phản hồi từ chính phủ và đang chuẩn bị “cho hai phương án đóng cửa và gia hạn”.

Ông Fawaz Al Bitar, Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng tái tạo (Edora) cho biết, để bù đắp cho lượng điện thiếu hụt, các dự án năng lượng tái tạo phải tiếp tục phát triển, ước tính có thể đáp ứng 50% nhu cầu trong vòng 10 năm.  Ngoài ra, Chính phủ Bỉ sẽ cho phép xây dựng nhiều trung tâm năng lượng điện gió dọc bờ biển kể từ năm 2020 để lấp khoảng trống do điện hạt nhân để lại.

GS Damien Ernst, thuộc Trường đại học Liège, chuyên gia về các vấn đề năng lượng cho biết, Bỉ cũng đang xem xét việc xây dựng các nhà máy điện khí mới với công suất 3GW để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này.

Ông Damien Ernst cho biết: “Để đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, Bỉ sẽ dựa vào năng lượng tái tạo và các biện pháp linh hoạt, tăng gấp đôi khả năng kết nối với các nước láng giềng, tăng công suất tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió ngoài khơi và trên đất liền, công suất dự trữ dựa trên các nhà máy điện khí tự nhiên”.

Bỉ là quốc gia nhỏ thuộc Tây Âu, có diện tích 32.545 km2 (chưa bằng 1/10 diện tích lãnh thổ Việt Nam), dân số hơn 11 triệu người, có đường biên giới chung với Hà Lan ở phía bắc, Đức và Luxembourg ở phía đông và Pháp ở phía tây và có bờ biển ven biển Bắc, nơi phù hợp để sản xuất năng lượng điện gió.

Láng giềng của Bỉ là Pháp, nước hiện có 48 lò phản ứng hạt nhân, xác định năng lượng điện hạt nhân là cốt lõi. Ngày 9-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại nhà máy sản xuất lò phản ứng hạt nhân ở Saône-et-Loire, miền đông nước Pháp, cho biết, Pháp coi năng lượng hạt nhân là giải pháp tương lai thân thiện với môi trường ở Pháp.

Ông Macron nói: “Tương lai năng lượng và sinh thái của chúng ta phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân... Năng lượng hạt nhân để bảo vệ khí hậu, năng lượng hạt nhân không có carbon là năng lượng an toàn, quan trọng là chất thải được quản lý tốt. Việc từ bỏ năng lượng hạt nhân sẽ mở đường trở lại các nhà máy nhiệt điện than”.