Báo cáo kết quả Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132

Sáng 8-4, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Buổi sáng, các thành viên ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, do bộ luật này đã ban hành mười năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế hiện có nhiều thay đổi. Các đại biểu cho rằng, Bộ luật hiện hành còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung, cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Việc sửa đổi cần bảo đảm tính kế thừa Bộ luật 2005, chỉ sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định chưa rõ, còn thiếu thống nhất; bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển, hội nhập; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các luật khác thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định trong Bộ luật nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm đến mức tối thiểu các quy trình, thủ tục, yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ . Cũng như nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước trong khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc nào không cần thiết có sự tham gia của Nhà nước thì giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện, nhằm khai thác các tiềm năng của xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và nhiều đại biểu khác đề nghị ban soạn thảo cần phân tích, làm rõ hơn nữa những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, xây dựng cảng biển, xây dựng đội tàu biển, phát triển dịch vụ hàng hải, vận tải biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực hoạt động hàng hải...Từ đó, mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật để có những sửa đổi lớn về chính sách, pháp luật, nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, biến nước ta trở thành "quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển" như Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI đã đề ra.

Buổi chiều, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) (sửa đổi). Trên cơ sở tổng kết 12 năm thực hiện Luật, để khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật NSNN hiện hành, dự thảo luật mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về phạm vi thu, chi NSNN, bội chi NSNN, mức vay nợ của ngân sách cấp tỉnh, dự phòng NSNN. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi cần toàn diện hơn nữa, bao gồm cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách; thống nhất, đồng bộ với các luật khác và quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề công khai, minh bạch; vai trò của Kho bạc Nhà nước; nhiệm vụ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, việc hỗ trợ cho các hội, đoàn thể... Nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo xem lại các quy định về nguyên tắc cân đối NSNN vì cho rằng chưa kế thừa những nguyên tắc ổn định, tích cực của luật hiện hành. Một số ý kiến băn khoăn về việc bảo đảm thực hiện trên nguyên tắc thu, chi phải có dự toán. Tiếp thu ý kiến đại biểu, ban soạn thảo đã bổ sung quy định: "Không được chi ngân sách ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định".

Về thu NSNN, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa các khoản phí, lệ phí vào NSNN sẽ gây khó khăn trong công tác điều hành ngân sách do số thu phí, lệ phí rất khó dự toán được chính xác. Ðồng thời, đề nghị quy định rõ loại phí nào thuộc ngân sách, loại phí nào không thuộc ngân sách. Ủy ban TVQH giải trình: lệ phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước, tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước. Phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải trả (trao đổi ngang giá) khi được cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, cần thiết quy định thuế và lệ phí là khoản thu bắt buộc thuộc NSNN.

* Sau giờ giải lao buổi chiều, Ủy ban TVQH đã nghe báo cáo kết quả Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Tham dự còn có đại diện các Ủy ban Thường trực của IPU 132, các bộ, ngành có liên quan.

Báo cáo của Ủy ban Ðối ngoại QH, IPU-132 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28-3 đến 1-4-2015 là hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức đã thành công tốt đẹp, thu hút sự tham dự của gần hai nghìn khách thuộc 174 đoàn với 715 nghị sĩ. Trong đó có 100 chủ tịch, phó chủ tịch nghị viện. Sau đại hội, Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU đánh giá đây là một trong những kỳ Ðại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua. Qua đó, Việt Nam đã nâng tầm tiêu chuẩn tổ chức của một kỳ Ðại hội đồng IPU. Trong vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch IPU-132; Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ IPU. Ðoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động tại các diễn đàn và hội nghị; đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các dự thảo nghị quyết và văn bản của các phiên họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cấp nhà nước về chuẩn bị và tổ chức IPU-132 khẳng định: IPU-132 đã đạt được những thắng lợi toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, nghị viện, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế. Ðể có được thành công đó, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, QH, Chính phủ và người dân, Phó Thủ tướng đã biểu dương sự phối hợp nhịp nhàng, tinh thần trách nhiệm cao giữa các cơ quan có liên quan; sự kiểm tra đôn đốc và chủ động từ khâu vận động, chuẩn bị đến thực hiện của các bộ Công an, Quốc phòng, Văn hóa-thể thao và Du lịch, Văn phòng QH...

Phát biểu ý kiến kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thành công của IPU-132 nâng cao uy tín, vị thế IPU. Ðây là sự kiện chính trị ý nghĩa, đối ngoại tạo sự đồng thuận lớn, là sự kiện văn hóa mang tính lịch sử, tạo dấu ấn về hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách trong lòng bạn bè quốc tế. Các chủ đề do Việt Nam đề xuất hội tụ, ý nghĩa, phù hợp các vấn đề thế giới quan tâm, được đánh giá cao. Ðại hội đồng IPU-132 đã thông qua bốn nghị quyết và Tuyên bố Hà Nội, trở thành một tuyên bố mang đậm dấu ấn Việt Nam nói riêng, IPU nói chung. Văn kiện này phản ánh được các nội dung cơ bản về cam kết và hành động của các nghị viện đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015. Tuyên bố Hà Nội khẳng định thành công của IPU-132, thể hiện sự chủ động và tích cực của QH Việt Nam trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của QH Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của QH Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, trên trường quốc tế.