Bài toán môi trường của Ca-na-đa

Trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 43 vừa qua tại Ca-na-đa, đảng Tự do cầm quyền giành chiến thắng, tạo cơ hội để chính quyền Thủ tướng G.Tru-đô tiếp tục triển khai các chương trình nghị sự còn dang dở. Tuy nhiên, một loạt vấn đề, mà trong đó nổi lên là chính sách về môi trường đang tạo thách thức lớn với chính phủ thiểu số của Thủ tướng G.Tru-đô.

Dự án lắp đặt đường ống dẫn dầu tại Xa-xca-chê-oan, Ca-na-đa. Ảnh SASKPARTY
Dự án lắp đặt đường ống dẫn dầu tại Xa-xca-chê-oan, Ca-na-đa. Ảnh SASKPARTY

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 43 tại Ca-na-đa được đánh giá là gay cấn nhất trong lịch sử quốc gia Bắc Mỹ này, khi đảng Tự do cầm quyền và đảng Bảo thủ đối lập liên tục dẫn đầu trong cuộc đua trước thềm bầu cử, với tỷ lệ ủng hộ gần bằng nhau. Theo kết quả kiểm phiếu công bố ngày 22-10, đảng Tự do giành chiến thắng, song không có đủ 170 ghế tối thiểu trong tổng số 338 ghế tại Quốc hội để chiếm thế đa số. Theo đó, đảng Tự do tiếp tục cầm quyền với chính phủ thiểu số, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng G.Tru-đô.

Thủ tướng G.Tru-đô và đảng Tự do đã có một nhiệm kỳ bốn năm được đánh giá là khá thành công, khi môi trường chính trị và kinh tế đất nước ổn định. Trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động giảm tác động của biến đổi khí hậu, để tiếp tục gây dựng được lòng tin trong người dân, chính quyền Ốt-ta-oa cũng đưa ra những cam kết mới về vấn đề môi trường. Lãnh đạo đảng Tự do khẳng định sẽ triển khai các sáng kiến, như trồng cây xanh, bảo vệ đại dương, tăng đầu tư cho giao thông công cộng, giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần… Sở dĩ, bảo vệ môi trường trở thành vấn đề được đông đảo người dân Ca-na-đa quan tâm là bởi quốc gia rộng lớn ở Bắc Mỹ này nằm trong số các nước phát triển tham gia thoả thuận về chống biến đổi khí hậu tại Pa-ri, từng đưa ra cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, so với mức của năm 2005. Tuy nhiên, hiện Ca-na-đa vẫn nằm trong nhóm 10 nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất và là quốc gia có mức phát khí thải tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Sau bầu cử, các cuộc tuần hành vì môi trường với đông đảo người tham dự tiếp diễn trên khắp Ca-na-đa. Các nhà tổ chức biểu tình bày tỏ mong muốn chính phủ tái đắc cử của Thủ tướng G.Tru-đô xây dựng một "Thỏa thuận xanh" mới và luật hóa các mục tiêu giảm khí thải dựa trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, những chính sách về môi trường lại tạo ra mâu thuẫn với việc phát triển kinh tế, nhất là với các ngành sản xuất dựa trên nguyên liệu hóa thạch.

Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đảng Tự do "trắng ghế" tại hai tỉnh miền tây là An-béc-ta và Xa-xca-chê-oan. Các thủ hiến tại hai tỉnh này đã công khai chỉ trích chính sách khí hậu của Ốt-ta-oa, trong đó nêu rõ, chế độ định giá các-bon của liên bang mà đảng Tự do ủng hộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sản xuất dầu mỏ, nguồn thu nhập chính của các tỉnh miền tây. Hiện An-béc-ta đóng góp tới 80% sản lượng dầu của Ca-na-đa, trong khi Xa-xca-chê-oan chiếm khoảng 12% sản lượng dầu quốc gia.

Ca-na-đa là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới và cũng phải đương đầu với những khó khăn do giá dầu thấp và tình trạng thiếu đường ống dẫn để đưa dầu mỏ tới các thị trường mới. Chính phủ Ca-na-đa từng phê chuẩn dự án nâng cấp hệ thống đường ống dẫn dầu đến bờ biển Thái Bình Dương, mang tên Trans Mountain, nhằm tăng gấp ba lần công suất vận chuyển dầu. Ðối với các tỉnh miền tây, dự án này là cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quyết định nâng cấp hệ thống dẫn dầu của chính phủ đảng Tự do lại đối mặt những vấn đề pháp lý và làn sóng phản đối của các nhà hoạt động vì môi trường, bởi dự án sẽ tạo điều kiện để phát triển khai thác cát dầu, một hoạt động góp phần không nhỏ vào lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cân bằng giữa cắt giảm khí thải để bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế là bài toán khó mà đảng Tự do của Thủ tướng G.Tru-đô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn thế nữa, với chính phủ thiểu số, đảng Tự do cầm quyền tại Ca-na-đa càng cần nỗ lực hơn để thuyết phục các đảng phái khác và người dân ủng hộ các quyết sách của mình.