Thế giới ngày qua

Ba Lan: Cải tổ chính phủ

Thủ tướng Ba Lan M.Mô-ra-véc-ki đã công bố nội các mới, vốn được cải tổ lại sau khi đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tuần qua.

Theo đó, số bộ trong chính phủ đã giảm từ 20 xuống còn 14. Thủ tướng M.Mô-ra-véc-ki cũng xác nhận ông G.Ca-din-xki, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý, sẽ trở thành Phó Thủ tướng. Thủ tướng Ba Lan cho biết nội các mới sẽ tạo điều kiện cho việc ra quyết định tốt hơn và nhiệm vụ quan trọng của chính phủ mới cũng nhằm giúp nền kinh tế Ba Lan phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Bê-la-rút: Phương Tây áp đặt trừng phạt

Anh và Ca-na-đa đã áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Bê-la-rút A.Lu-ca-sen-cô do cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Ðông Âu này. Ngoài Tổng thống A.Lu-ca-sen-cô, con trai ông và một số nhân vật cấp cao khác trong chính quyền Bê-la-rút cũng nằm trong diện trừng phạt. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã có cuộc gặp với lãnh đạo phe đối lập Bê-la-rút tại Lít-va. Nhà lãnh đạo Pháp ngỏ ý sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nhật Bản: Nhiều sở giao dịch chứng khoán tạm ngừng hoạt động

Tại Nhật Bản, sau Sở Giao dịch Chứng khoán Tô-ki-ô (TSE), các sở giao dịch chứng khoán tại ba thành phố lớn khác gồm Phư-cư-ô-ca, Na-gôi-a và Xa-pô-rô đã lần lượt phải tạm ngừng giao dịch vào sáng 1-10. Theo thông báo của Japan Exchange Group (JPX) - tập đoàn quản lý TSE, sở giao dịch này phải tạm ngừng mọi giao dịch mua và bán trong cả ngày 1-10 vì các vấn đề liên quan hệ thống thông tin thị trường. Hãng tin Kyodo cho biết, đây là sự cố tồi tệ nhất từ trước tới nay mà TSE, sở giao dịch chứng khoán lớn thứ ba thế giới này phải hứng chịu.

EU: Tìm kiếm đồng thuận về đông Ðịa Trung Hải

Theo Roi-tơ và TTXVN, các nhà lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu (EU) nhóm họp trong hai ngày 1 và 2-10 tại Bỉ để thảo luận về các vấn đề đối ngoại, nhất là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tình hình ở khu vực đông Ðịa Trung Hải. Các nhà lãnh đạo EU bày tỏ lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng tại đông Ðịa Trung Hải và nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải giảm leo thang tại đây. Thời gian qua, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì nhiều vấn đề, trong đó có việc An-ca-ra triển khai tàu thăm dò dầu khí và tàu chiến tới khu vực đông Ðịa Trung Hải, nơi nước này đang tranh chấp chủ quyền với hai quốc gia thành viên của EU là Hy Lạp và Síp. Căng thẳng lên cao độ khi các bên tổ chức tập trận ở phía đông Ðịa Trung Hải, khiến mâu thuẫn có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự.