Australia hy vọng nhận được vaccine ngừa Covid-19 đầu năm 2021

NDO -

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 7-9 cho biết, nước này hy vọng nhận được những lô vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng đầu tiên vào tháng 1 tới.

Vaccine của AstraZeneca được đánh giá là ứng viên đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tìm ra vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Vaccine của AstraZeneca được đánh giá là ứng viên đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tìm ra vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Morrison thông báo, chính phủ của ông đã đạt được thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học CSL về việc sản xuất hai loại vaccine. Trong đó, một loại do công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển, loại còn lại do các phòng thí nghiệm của CSL và Đại học Queensland phối hợp phát triển.

Thủ tướng Australia cho hay, nếu cả hai loại vaccine nêu trên đều vượt qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, Australia sẽ chi 1,24 tỷ USD để mua gần 85 triệu liều. 

Ông Morrison cho biết, trong tháng 1 và 2-2021, Australia dự kiến nhận được 3,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Loại vaccine này đang trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Anh, Brazil và Nam Phi. Vaccine AZD1222 của AstraZeneca được đánh giá là ứng viên đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tìm ra vaccine ngừa Covid-19 một cách hiệu quả. 

Ông Morrison cũng thông báo, Australia sẽ mua thuốc của CSL nếu các cuộc thử nghiệm thành công. Theo kế hoạch, vaccine của CSL sẽ bắt đầu bước vào cuộc thử nghiệm giai đoạn hai vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa là loại vaccine này có thể được đưa ra thị trường sớm nhất là vào giữa năm 2021.

“Bằng cách bảo đảm các thỏa thuận sản xuất và cung cấp, người dân Australia sẽ nằm trong số những người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine an toàn và có hiệu quả nếu vaccine này vượt qua giai đoạn thử nghiệm cuối”, ông Morrison cho biết trong một thông cáo được gửi qua thư điện tử. 

Australia đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine trong bối cảnh bang Victoria thông báo đã ghi nhận 41 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc được ghi nhận trong ngày thấp nhất tại bang này kể từ ngày 26-6. Victoria, “tâm chấn” của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, ghi nhận khoảng 75% trong 26.320 ca mắc và 90% trong 762 ca tử vong tại nước này. 

Bang đông dân thứ hai tại Australia hôm qua đã kéo dài lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ phủ Melbourne cho đến ngày 28-9 do tốc độ lây nhiễm hằng ngày giảm chậm hơn so với kỳ vọng. 

Việc kéo dài lệnh phong tỏa tại Melbourne được cho là sẽ khiến thành phố này tiếp tục mất đi nhiều việc làm. Theo Bộ Tài chính Austrailia, lệnh phong tỏa trong sáu tuần đã lấy đi 250 nghìn việc làm tại Victoria, tương đương 50% tổng số việc làm bang này mất đi kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg ngày 7-9 thông báo, Australia sẽ kéo dài các nguyên tắc bảo vệ đối với tình trạng mất khả năng thanh toán tạm thời và phá sản cho đến cuối năm nay, cấm các chủ nợ gửi thông báo phá sản tới các doanh nghiệp có khoản nợ dưới 20 nghìn AUD.

Australia hy vọng nhận được vaccine ngừa Covid-19 đầu năm 2021 -0
Biển hướng dẫn các biện pháp cơ bản để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 tại New Zealand. (Ảnh: Reuters) 

Trong khi đó, tại New Zealand, quy định xét nghiệm nghiêm ngặt hơn đối với người lao động làm việc tại khu vực biên giới của nước này sẽ có hiệu lực từ ngày 7-9. Người từ chối làm xét nghiệm mà không có lý do hợp lý có thể bị phạt tới 1.000 NZD. Mỗi một tuần hoặc hai tuần, người lao động làm việc tại biên giới trên không và trên biển sẽ lại được làm xét nghiệm, tùy vào công việc của họ.

Tính đến ngày 7-9, New Zealand đã ghi nhận 1.776 ca mắc và 24 ca tử vong do Covid-19. Đây là quốc gia có số ca mắc đứng thứ hai tại châu Đại Dương, sau Australia. 

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường