Áp lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

Chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 2 vừa qua đã tăng tháng thứ chín liên tiếp, lên mức cao nhất trong gần bảy năm qua.

Người tị nạn ở Kê-ni-a nhận lương thực cứu trợ.
Người tị nạn ở Kê-ni-a nhận lương thực cứu trợ.

Giá cả tăng cao đặt nhiều quốc gia, khu vực vào tình trạng bấp bênh về an ninh lương thực, gây khó khăn cho những vùng đang bị cuốn trong xung đột, đói nghèo.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thế giới trong tháng 2-2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2014, là tháng thứ chín liên tiếp giá lương thực tăng. Chỉ số giá lương thực trong tháng 2 đạt trung bình 116 điểm, tăng nhẹ so với mức 113,2 điểm của tháng liền kề trước đó. Lo ngại về nguồn cung trong năm 2020 - 2021 do quy mô sản xuất giảm tại các nước sản xuất chính và nhu cầu lớn tại châu Á, giá đường đã tăng 6,4% so với tháng 1. Giá dầu thực vật tăng 6,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 4-2012, với giá dầu cọ tăng chín tháng liên tiếp, do những quan ngại về nguồn cung giảm tại các nước xuất khẩu chính. FAO đã điều chỉnh dự báo về sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021 là 811 triệu tấn, tăng chín triệu tấn so với dự báo trước đó, song con số này vẫn thấp hơn 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lương thực gia tăng trở thành áp lực đối với các quốc gia phải đối mặt cuộc chiến chống đói nghèo. Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA) cảnh báo, khoảng 7,3 triệu người ở các quốc gia trong khu vực tam giác phía Bắc Trung Mỹ, gồm En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la và On-đu-rát đang trong tình trạng khủng hoảng hoặc khẩn cấp về mất an ninh lương thực. Các cơn bão lớn tràn qua các quốc gia Trung Mỹ đã gây hại cho cây trồng, ngũ cốc và nông sản xuất khẩu cơ bản, làm tăng giá, mất mùa và giảm thu nhập kinh tế của các hộ gia đình. Dự báo, đại dịch Covid-19 và thiên tai sẽ khiến con số người mất an ninh lương thực tăng thêm gần ba triệu người trong năm 2021.

Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi quyên góp 266 triệu USD để hỗ trợ lương thực cho hơn ba triệu người tị nạn trên toàn khu vực Ðông Phi. Gần ba phần tư trong khoảng 4,7 triệu người tị nạn đang sinh sống ở 11 nước trong khu vực này đang thiếu lương thực. Người tị nạn đối mặt tình cảnh phải chia khẩu phần ăn, thậm chí bỏ bữa, bán tài sản và trẻ con phải lao động kiếm sống. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ đã kêu gọi hỗ trợ 107 triệu USD để ứng phó khẩn cấp với vấn đề an ninh lương thực tại vùng Ti-grây của Ê-ti-ô-pi-a, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột. Khoảng ba triệu người tại Ti-grây đang cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Nếu nguồn kinh phí được bảo đảm, WFP sẽ tăng cường năng lực vận chuyển của cả Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a và các đối tác để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho những cộng đồng người dễ bị tổn thương nhất. Việc thiếu kinh phí do bị ảnh hưởng của Covid-19 khiến cơ quan lương thực của LHQ phải giảm hơn một nửa viện trợ hằng tháng cho người tị nạn ở Ru-an-đa và giảm mạnh cứu trợ ở những nước khác như U-gan-đa, Kê-ni-a và Nam Xu-đăng.

Tại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhập khẩu thực phẩm quan trọng, đẩy giá leo thang đã tác động tới cả những hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương. Tình trạng người dân ở khu vực này chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang tập trung phát triển du lịch đã tạo ra sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn thực phẩm nhập khẩu như thịt bò, mì và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Việc đóng cửa biên giới, kéo theo chuỗi cung ứng vận chuyển, kể cả thực phẩm và phân bón, bị gián đoạn khiến giá cả tăng cao.

Tại Xu-va và Phi-gi, giá một số loại trái cây tươi và rau quả đã tăng tới 75% trong những tuần đầu tiên sau khi các nước đóng cửa biên giới. Ðối mặt cuộc khủng hoảng lương thực, nhiều chính phủ ở khu vực này đã thực thi các sáng kiến cộng đồng nhằm làm giảm tình trạng thiếu hụt, trong đó có việc kéo dài thời gian được phép đánh bắt cá, tăng cường các chương trình phân phối hạt giống nhằm giúp người dân tự lực hơn, tạm thời ngăn chặn nguy cơ mất an ninh lương thực.

Thúy Anh