Anh và Đức khác biệt về cách tiếp cận thỏa thuận Brexit

NDO -

NDĐT - Ngày 21-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Anh Boris Johnson, người đang ở thăm Berlin, bày tỏ ủng hộ London rời Liên hiệp châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có thỏa thuận kèm theo. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo lại thể hiện quan điểm khác biệt về cách tiếp cận thỏa thuận này.

Bà Merkel và ông Johnson tham gia họp báo chung trước khi hội đàm. (Ảnh: AP)
Bà Merkel và ông Johnson tham gia họp báo chung trước khi hội đàm. (Ảnh: AP)

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là người đứng đầu Chính phủ Anh, ông Johnson một lần nữa kêu gọi EU đàm phán lại thỏa thuận Brexit giữa khối này và London để tránh xảy ra kịch bản Anh rời EU vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận kèm theo.

Thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo EU, bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit với London. Khi người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May còn nắm quyền, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận này ba lần. Hiện nay, vấn đề gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit chính là “chốt chặn”, điều khoản do Brussels đề xuất nhằm tránh thiết lập một đường biên giới “cứng” giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland.

Tại cuộc họp báo chung trước khi bước vào cuộc hội đàm với bà Merkel, ông Johnson cho biết, ông tin rằng, điều khoản được gọi là “chốt chặn” trong thỏa thuận đưa Anh rời EU có “những nhược điểm rất nghiêm trọng” và do đó điều khoản này “rõ ràng phải được loại bỏ” khỏi thỏa thuận Brexit.

Về phần mình, bà Merkel cho rằng, có thể tìm ra cách giải quyết cho vấn đề biên giới Ireland trong vòng 30 ngày, tức là trước hạn chót Anh rời EU (ngày 31-10). Theo Thủ tướng Đức, giải pháp “chốt chặn” chỉ được coi là “nguyên tắc chuyển tiếp” cho vấn đề biên giới Ireland đang gây tranh cãi và giải pháp cuối cùng sẽ được đưa ra trong hai năm tới.

Bà Merkel bày tỏ ủng hộ thực hiện tiến trình Brexit đã được thỏa thuận, song bà cũng nhấn mạnh, EU đã chuẩn bị cho nguy cơ không diễn ra một tiến trình như vậy.

Thủ tướng Đức nhận định, hoạt động kiểm soát biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sẽ trở nên không cần thiết và tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất có thể được giữ gìn nếu Anh và EU định hình lại quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Liên quan đến quan hệ song phương Anh - Đức, Thủ tướng Johnson nêu rõ, London và Berlin luôn đứng vai kề vai khi giải quyết nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có các vấn đề của NATO và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, sau khi rời khỏi Đức, ông Johnson sẽ tới Paris vào ngày 22-8 để hội đàm với ông Macron. Từ ngày 24 đến 26-8, Thủ tướng Anh sẽ tham gia Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tại Biarritz, Pháp.