4,7 triệu lao động Thái Lan bị ảnh hưởng nặng do làn sóng Covid-19 thứ hai

NDO -

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) ngày 22-1 đưa ra cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở nước này trong những tháng vừa qua, sẽ khiến nền kinh tế chậm phục hồi và gây tác động tiêu cực tới 4,7 triệu lao động nước này.

Bà Chayawadee Chai-Anant, quan chức của Ngân hàng Trung ương Thái Lan. (Ảnh: The Nation)
Bà Chayawadee Chai-Anant, quan chức của Ngân hàng Trung ương Thái Lan. (Ảnh: The Nation)

Tờ Nation dẫn lời bà Chayawadee Chai-Anant, một quan chức cao cấp của Ban Chính sách và Kinh tế thuộc BOT, phát biểu tại một cuộc hội thảo do Ngân hàng Thế giới tổ chức, cho rằng mặc dù làn sóng lây nhiễm lần thứ hai không nghiêm trọng như lần đầu, nhưng vẫn khiến quá trình phục hồi của nền kinh tế bị trì hoãn, có thể sẽ phải kéo dài tới cuối năm sau.

Trong lần bùng phát dịch thứ hai này, bắt đầu từ cuối tháng 12-2020, Chính phủ Thái Lan đã ban hành một số biện pháp phong tỏa và hạn chế có giới hạn đối với một số khu vực nhất định. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hỗ trợ có quy mô nhỏ hơn so với lần bùng phát dịch đầu tiên hồi đầu năm 2020.

Trong quý III-2020, nền kinh tế Thái Lan đã cho thấy có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, xu hướng hồi phục này đã bị phá vỡ bởi làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Bà Chayawadee nhận định: “Nền kinh tế Thái Lan có thể quay trở lại mức độ trước khi có dịch Covid-19 vào giữa năm tới, hoặc sự hồi phục có thể bị trì hoãn tới cuối năm 2022”.

Bà cho rằng, các lĩnh vực liên quan tới du lịch như nhà hàng, khách sạn và vận chuyển là những ngành cảm nhận rõ nét nhất tác động của đợt bùng phát dịch, bởi họ vẫn còn chưa phục hồi từ làn sóng đầu. Theo đánh giá sơ bộ của BOT, làn sóng dịch thứ hai sẽ tác động mạnh mẽ đến khoảng 4,7 triệu lao động Thái Lan, khiến họ mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Trong khi đó, các ngành công nghiệp liên quan tới du lịch của Thái Lan hiện đang phải đối mặt, với hiện tượng dư thừa công suất trong vận tải và khách sạn sau khi lượng du khách nước ngoài giảm từ 40 triệu lượt khách một năm xuống chỉ còn 7 triệu. Các biện pháp hỗ trợ cần phải tiếp cận được tới những người cần trợ giúp.

Còn ông Somprawin Manprasert, một nhà kinh tế của Ngân hàng Krungsri, cho rằng, người nghèo ở thành phố là những người phải chịu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng Covid-19, trong khi những người thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nhẹ hơn.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành cơ quan chính sách vi mô thuộc Văn phòng Chính sách Tài chính Thái Lan Pisit Puapan khẳng định, Chính phủ Thái Lan có đủ các nguồn lực tài chính để đối phó với tác động về kinh tế. Vị thế tài chính của Thái Lan hiện là tương đối mạnh với mức nợ công chỉ chiếm 42% GDP vào năm 2019. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận rằng con số này hiện đang tăng nhanh, khi nợ công của Thái Lan đã lên tới gần 60% GDP. Chính phủ Thái Lan đã thiết lập mức nợ công an toàn ở mức 60% GDP, nhưng giới hạn này có thể sẽ được nới rộng trong tương lai, nếu Thái Lan cần phải tiêu nhiều tiền hơn cho các dự án hiệu quả.

Ngân hàng Thế giới dự đoán sau khi trải qua thời kỳ suy thoái với tốc độ phát triển âm 6,5% trong năm 2020, nền kinh tế Thái Lan sẽ hồi phục, đạt mức tăng trưởng 4% trong năm nay và tăng lên tới 4,7% trong năm tới.