20 quốc gia đã nhận được vaccine ngừa Covid-19 thông qua COVAX

NDO -

Theo số liệu cập nhật của Worldometers, đến 8 giờ 30 phút, ngày 6-3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 116.659.759 ca mắc và 2.591.295 ca tử vong do Covid-19. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, COVAX - cơ chế vaccine quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác đã phân phối hơn 20 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới 20 quốc gia.

Lô vaccine Oxford/AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX đầu tiên được chuyển đến Bờ Biển Ngà, ngày 26-2-2021. (Ảnh: Reuters)
Lô vaccine Oxford/AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX đầu tiên được chuyển đến Bờ Biển Ngà, ngày 26-2-2021. (Ảnh: Reuters)

Trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 446.624 ca mắc và 9.648 ca tử vong do Covid-19.

Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, Brazil lại là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới Covid-19 trong một ngày, với 75.337 ca.

Theo sau Brazil về số ca mắc mới trong một ngày là: Mỹ (67.281 ca), Italy (24.036 ca), Pháp (23.507 ca), Ấn Độ (18.292 ca).

Mỹ và Brazil là hai quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong một ngày ở mức hơn 1.000, với con số lần lượt là Mỹ (1.794 ca) và Brazil (1.760 ca).

Cũng theo cập nhật của Worldometers đến đến 8 giờ 30 phút, ngày 6-3 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 92.273.588 ca bệnh được điều trị khỏi; số ca bệnh đang được điều trị là 21.794.876 ca, trong đó có 89.443 ca trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

Tại cuộc họp báo ngắn ngày 5-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, COVAX - cơ chế vaccine toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác đã phân phối hơn 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 tới 20 quốc gia. Ông Tedros cho biết, trong tuần tới, COVAX sẽ phân phối 14,4 triệu liều vaccine tới 31 quốc gia nữa. Mặc dù vậy theo ông, lượng vaccine được phân phối thông qua cơ chế COVAX vẫn còn khá khiêm tốn, bao phủ chỉ 2% đến 3% dân số ở các nước nhận được vaccine thông qua cơ chế này.

Ông Tedros cho biết, WHO đang nỗ lực để kết nối các công ty sản xuất vaccine với nhau để cân đối lượng cung cầu và giúp tăng công suất bào chế vaccine. Ông cũng kêu gọi chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các công ty đang sở hữu bản quyền tới các đơn vị có khả năng sản xuất. Ông nói: "Một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này là việc AstraZeneca đã chuyển giao công nghệ bào chế vaccine cho SKBio ở Hàn Quốc và Viện huyết thanh Ấn Độ, hai đơn vị đang sản xuất vaccine AstraZeneca cho COVAX".

Mục tiêu của sáng kiến COVAX là bảo đảm rằng không nền kinh tế tham gia nào bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận vaccine Covid-19. Mục tiêu cốt lõi của chương trình là cung cấp hai tỷ liều vaccine vào cuối năm nay.

Liên quan đến các loại vaccine đang được sử dụng trên thế giới, trên trang Twitter của mình, nhà phát triển vaccine Sputnik V của Nga cho biết, loại vaccine này đã được phê duyệt ở 45 quốc gia trên thế giới, nhiều thứ hai trong số các loại vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép sử dụng. Vị trí số một thuộc về vaccine của hãng AstraZeneca.

Trong ngày 5-3, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt vaccine phòng Covid-19 của Johnson & Johnson. Theo Bộ Y tế Canada, các bằng chứng cho thấy, loại vaccine này vừa an toàn vừa hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, vaccine này có thể được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ lạnh trong ít nhất ba tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối đến các vùng, lãnh thổ trên toàn Canada. Đây là loại vaccine thứ tư được Canada phê duyệt, chỉ yêu cầu một liều tiêm duy nhất. Hiện, Canada đã đặt mua trước 10 triệu liều vaccine này. Trước đó, ngày 26-2, Mỹ trở thành nước đầu tiên trên thế giới  phê duyệt vaccine của Johnson & Johnson.

Nhằm ứng phó với làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19, CH Séc đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đáng chú ý, do hệ thống y tế đang đối mặt tình trạng quá tải, quốc gia Trung Âu này đang kêu gọi các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) hỗ trợ tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng.

Bộ trưởng Y tế Séc Jan Blatny tại cuộc họp báo ngày 5-3 cho biết, quốc gia Trung Âu này sẽ tiếp nhận hơn một triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 3, trong đó có khoảng 700.000 liều vaccine của hãng Pfizer/Biontech.

Theo số liệu của Bộ Y tế Séc, đến nay hơn 250.000 người dân đã được tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19 và khoảng 90.000 người hơn 80 tuổi đã được tiêm vaccine.

Cùng ngày, Ủy ban tham vấn của Bỉ đã họp để đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại nước này và quyết định kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban tham vấn, Thủ tướng Alexander De Croo đã công bố một lộ trình ba bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch vào tháng 3, 4 và 5. Theo đó cụ thể từ ngày 8-3, số lượng tối đa người tiếp xúc ngoài trời được tăng từ bốn lên 10 người, đi kèm với đó là việc tuân thủ mang khẩu trang và giãn cách xã hội. Số lượng người tham dự đám tang cũng được tăng lên mức tối đa là 50. Từ ngày 15-3, học sinh tiểu học và trung học cơ sở được phép tham dự hoạt động ngoài trời một ngày trong tuần. Sinh viên đại học sẽ đến trường học một ngày/tuần.

Tháng 4 sẽ đánh dấu sự bắt đầu trở lại của các hoạt động ngoài trời. Các hoạt động ngoài trời do tư nhân tổ chức được cho phép tối đa 10 người tham dự. Các chương trình ngoại khóa ngoài trời với cho trẻ em dưới 13 tuổi được nối lại với giới hạn tối đa 25 người tham dự. Điều kiện tương tự cũng được áp dụng cho các khu chợ và công viên giải trí. Từ ngày 19-4, học sinh trung học cơ sở sẽ đến trường 100%. Thủ tướng Alexander De Croo nhấn mạnh, hoạt động đi lại không thiết yếu qua biên giới vẫn bị cấm ít nhất cho đến ngày 18-4.

Dự kiến vào cuộc họp của Ủy ban tham vấn vào ngày 26-3, các nhà chức trách sẽ đánh giá xem liệu tình hình có cho phép các biện pháp nới lỏng như trên có được thực hiện hay không.

Người phát ngôn của Ban phòng chống Covid-19 của Bỉ Yves Van Laethem cho biết số, lượng người mắc bệnh mới trung bình đã ổn định trong vài ngày qua và có xu hướng sẽ bắt đầu giảm trở lại trong những ngày tới.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ 30 phút, sáng 6-3 (giờ Việt Nam).

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 29.593.704 ca mắc, 535.563 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 11.191.864 ca mắc, 157.693 ca tử vong
  3. Brazil: 10.871.843 ca mắc, 262.948 ca tử vong
  4. Nga: 4.301.159 ca mắc, 88.285 ca tử vong
  5. Anh: 4.207.304 ca mắc, 124.261 ca tử vong
  6. Pháp: 3.859.102 ca mắc, 88.274 ca tử vong
  7. Tây Ban Nha: 3.149.012 ca mắc, 71.138 ca tử vong
  8. Italy: 3.023.129 ca mắc, 99.271 ca tử vong
  9. Thổ Nhĩ Kỳ: 2.757.460 ca mắc, 28.901 ca tử vong
  10. Đức: 2.493.887 ca mắc, 72.297 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

  1. Indonesia: 1.368.069 ca mắc, 37.026 ca tử vong
  2. Philippines: 587.704 ca mắc, 12.423 ca tử vong
  3. Malaysia: 310.097 ca mắc, 1.159 ca tử vong
  4. Myanmar: 142.000 ca mắc, 3.200 ca tử vong
  5. Singapore: 60.007 ca mắc, 29 ca tử vong
  6. Thái Lan: 26.241 ca mắc, 85 ca tử vong
  7. Việt Nam: 2.494 ca mắc, 35 ca tử vong
  8. Campuchia: 932 ca mắc
  9. Brunei: 188 ca mắc, 03 ca tử vong
  10. Timor-Leste: 119 ca mắc
  11. Lào: 47 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Châu Âu: 34.839.082 ca mắc, 830.687 ca tử vong
  2. Bắc Mỹ: 33.966.015 ca mắc, 773.425 tử vong
  3. Châu Á: 25.393.780 ca mắc, 402.720 ca tử vong
  4. Nam Mỹ: 18.433.595 ca mắc, 477.950 ca tử vong
  5. Châu Phi: 3.975.048 ca mắc, 105.405 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 51.518 ca mắc, 1.093 ca tử vong
Cuộc đua vaccine Covid-19