1.200 tù nhân trên đảo Sulawesi, Indonesia vượt ngục

NDO -

NDĐT - Chính phủ Indonesia ngày 1-10 xác nhận, có tới 1.200 tù nhân của ba trại giam trên đảo Sulawesi đã vượt ngục sau khi xảy ra động đất và sóng thần vào thứ sáu vừa qua.

Cảnh hoang tàn tại TP Palu sau trận động đất và sóng thần. (Ảnh: Jewel Samad/ Getty Images)
Cảnh hoang tàn tại TP Palu sau trận động đất và sóng thần. (Ảnh: Jewel Samad/ Getty Images)

Một quan chức thuộc Bộ Tư pháp Indonesia, bà Sri Puguh Utami cho biết, các tù nhân đã bỏ chạy khỏi hai trại giam bị quá tải ở TP Palu và một trại giam khác ở Donggala, khu vực cũng chịu ảnh hưởng của thảm họa kép.

Bà Utami cho biết, “ban đầu mọi việc đều tốt… tuy nhiên không lâu sau trận động đất, nước bắt đầu phun ra từ dưới sân nhà tù khiến các tù nhân hoảng sợ và chạy ra đường” và đây không phải là nước của trận sóng thần. Cũng theo bà Utami, một nhà tù ở Donggala đã bốc cháy và toàn bộ 343 tù nhân đã bỏ chạy. Trong khi đó, tù nhân của một trại giam bị quá tải ở Palu đã chạy ra ngoài bằng cách phá cửa chính của nhà tù.

Sự việc nêu trên xảy ra khi đảo Sulawesi đang hứng chịu hậu quả nặng nề của động đất và sóng thần, khiến hơn 800 người thiệt mạng, 600 người nhập viện và hơn 48 nghìn người phải sơ tán.

Cùng ngày, Chính phủ Indonesia kêu gọi quốc tế giúp đỡ giải quyết hậu quả mà các trận động đất và sóng thần vừa gây ra trên đảo Sulawesi.

Thông qua mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia Thomas Lembong cho hay, đêm 30-9, Tổng thống Joko Widodo đã cho phép cơ quan này tiếp nhận sự giúp đỡ của quốc tế nhằm khẩn cấp ứng phó thiên tai. Các nước, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan, Nhật Bản và Australia, đã đề nghị giúp đỡ Indonesia.

Trong khi đó, các nhà chức trách Indonesia đang khẩn trương chuyển thực phẩm, hàng viện trợ và đồ dùng cần thiết tới Sulawesi. Quan ngại số người chết do thiên tai sẽ tăng nhanh trong những ngày tới, khi các lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực xa xôi hẻo lánh trên đảo Sulawesi, giới chức Indonesia đang chuẩn bị ứng phó tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Tại Poboya, địa điểm thuộc khu vực đồi núi trên đảo Sulawesi, các tình nguyện viên đã đào một khu mộ dài 100 m để chôn cất thi thể các nạn nhân nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Giới chức Indonesia cũng ban bố duy trì tình trạng khẩn cấp tại hòn đảo này trong vòng 14 ngày.

* Indonesia khẩn trương viện trợ đảo Sulawesi sau “thảm họa kép”