Xây dựng phong cách người đứng đầu

NDO -

NDĐT- Phong cách của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Bác để lại cho Đảng và dân tộc ta. Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách lãnh đạo của người đứng đầu, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm và đủ tầm.

Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Điều này đã được minh chứng trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trong thực tiễn đời sống. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, khóa XII đã nêu rõ những hạn chế: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi...”(1). Chính những hạn chế này là căn nguyên dẫn đến sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những người đứng đầu mà điển hình là những sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia... làm thất thoát tài sản của Nhà nước, suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Xây dựng phong cách người đứng đầu là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, nhất là khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Nội dung này được Người đề cập rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm ra đời cách đây hơn 70 năm nhưng vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đối với vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng, nhất là khuyết điểm, sai lầm của người đứng đầu, thông qua tác phẩm, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”(2). Đây chính là cách thức tốt nhất để phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng khi trở thành Đảng cầm quyền. Bởi lẽ, những khuyết điểm, sai lầm trong đó có sai lầm của người đứng đầu chính là kẻ địch bên trong, còn nguy hiểm hơn kẻ địch bên ngoài và câu kết với kẻ địch bên ngoài để chống phá cách mạng. Mặt khác, nếu các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng như người “giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”(3). Đối với việc xây dựng phong cách cán bộ, đảng viên, tác phẩm cũng nêu ra ba phong cách cơ bản đó là: phong cách khoa học, phong cách dân chủ và phong cách quần chúng.

Xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế hiện nay, cần xây dựng bốn phong cách: phong cách khoa học; phong cách dân chủ nhưng quyết đoán; phong cách lãnh đạo sâu sát; phong cách gương mẫu, nêu gương, nói đi đôi với làm.

Tác phong khoa học là yếu tố đầu tiên, là tiền đề căn bản để xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu. Phong cách, tác phong khoa học của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng tạo nền tảng để hình thành cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học và sáng tạo, không rập khuôn, máy móc. Từ đó có sự chỉ đạo đúng đắn trong công việc, cách nhìn nhận và đánh giá đúng con người, sử dụng đúng người, đúng việc, trọng dụng người tài… Phong cách khoa học gồm các tiêu chí: phải có thói quen điều tra, nghiên cứu, khảo sát, thâm nhập vào đời sống thực tiễn; xác định mục tiêu công tác, lộ trình, bước đi, biện pháp thích hợp; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu nhưng linh hoạt về phương pháp; trong lãnh đạo, hành động, điều hành, quản lý phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, là người có trọng trách trong một tập thể, vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, đồng thời, phải quyết đoán, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dám ra quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cho nên cần xây dựng phong cách dân chủ. Phong cách dân chủ thể hiện ở việc người đứng đầu cần lưu ý việc bàn bạc, trao đổi, lắng nghe ý kiến trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là ý kiến phản biện trái chiều; phải bảo đảm thông tin trung thực, sát thực là yếu tố quan trọng để thực hiện dân chủ; dân chủ nhưng phải tập trung và luôn luôn phòng tránh căn bệnh dân chủ hình thức; dân chủ nhưng tập trung để không dẫn đến độc quyền, chuyên chế, chuyên quyền.

Người lãnh đạo, người đứng đầu phải có phong cách quần chúng, bởi phải luôn hòa đồng với quần chúng, học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Chỉ trên cơ sở sâu sát quần chúng, người cán bộ lãnh đạo mới biết đời sống thực, khả năng thực của quần chúng, biết được những mong muốn, băn khoăn trăn trở của nhân dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng nhân dân. Lãnh đạo sâu sát quần chúng sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Gương mẫu, nêu gương, nói đi đôi với làm, là một nội dung không thể thiếu đối với người đứng đầu. Người lãnh đạo, người đứng đầu phải tiên phong trong mọi công việc; dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm đồng thời giữ được cốt cách tốt, không tha hóa. Nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ là lời nói. Muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, người lãnh đạo, người đứng đầu phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm. Ðây là nguyên tắc trước hết, cực kỳ quan trọng của việc nêu gương. Thực tế cho thấy, người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nói nhiều làm ít, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hay nói mà không làm thì không ai tin, sẽ mất uy tín, vai trò trước quần chúng, trước cấp dưới. Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mới có được sự tin yêu của tập thể, quần chúng, của cấp dưới.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin và động lực cho cán bộ, đảng viên tích cực tham gia, nêu cao trách nhiệm trong công tác và cuộc sống, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

Để xây dựng phong cách người đứng đầu, trong điều kiện mới, chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản, như tăng cường giáo dục, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, khơi dậy ý thức tự giác, tinh thần học hỏi thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên; xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 22

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.272

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.273