Ngày làm việc thứ 14, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả

Hôm qua, ngày 7-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Nội vụ. Các đồng chí Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình nội dung liên quan.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: DUY LINH
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy điện

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cùng một số đại biểu về các dự án năng lượng điện tái tạo bị chậm tiến độ, dễ xảy ra nguy cơ thiếu điện trầm trọng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các dự án đã được thực hiện, hiện nay đã có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 28.300 MW đợi đưa vào tiêu thụ, có khoảng 150 dự án điện gió cũng đang đợi phê duyệt, có tám dự án lớn về điện khí đang được nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng về điện gió, sau tháng 11-2021, sẽ áp dụng cơ chế khuyến khích mới, khắc phục được hạn chế của cơ chế trước đây, qua đó tạo môi trường công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư trong đấu thầu.

Về dự án điện khí hóa lỏng Bạc Liêu nằm trong kế hoạch điện dự phòng được các đại biểu chất vấn thời gian khởi công xây dựng cụ thể Bộ trưởng Công thương cho biết, Bộ đã có các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang xem xét và ngay sau khi có ý kiến từ các cơ quan liên quan sẽ triển khai dự án. Ðối với trả lời của Bộ trưởng Công thương về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng cần cho các đại biểu QH biết cụ thể bao giờ giải quyết, vì dự án đã nghiên cứu một thời gian dài, đầy đủ hết thủ tục đầu tư, ý kiến của Chính phủ và Thường vụ QH đã xem xét vấn đề này. Bởi vậy, đến bây giờ Bộ trưởng trả lời sẽ "xem xét" là chưa yên tâm, trong khi đây là dự án quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh là nội dung được một số đại biểu QH chất vấn. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương đã triển khai rất nhiều chương trình, đề án có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối sản phẩm hàng hóa trong nước. Thí dụ như: Ðề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ 2016-2025… Ngoài ra, hiện nay Bộ Công thương lồng ghép, triển khai rất nhiều chương trình, đề án khác để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tất cả những nội dung này đều đã được nêu rõ trong các đề án lớn của Chính phủ cũng như trong các hoạt động quản lý nhà nước và được lồng ghép phối hợp các chương trình khác của Chính phủ cũng như các bộ, ngành. Bộ trưởng cho biết, để làm tốt hơn nữa các nội dung nêu trên trong thời gian tới, cần có sự tham gia, phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu về việc chưa thực hiện được những mục tiêu đề ra để đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải, có nhiều nguyên nhân, trong đó, nước ta có điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của các nước khi phải đối mặt với hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ của chúng ta chậm hơn so với các nước trong khu vực từ hai đến ba thế hệ công nghệ của công nghiệp hóa. Chúng ta chưa xây dựng và thiết lập được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất vật chất, trong đó có ngành công nghiệp. Ðiều này thể hiện rõ ngay ở khâu đào tạo nguồn nhân lực, số lượng sinh viên được đào tạo về lĩnh vực công nghiệp, sản xuất vật chất thấp. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách để tạo dựng hệ sinh thái này chưa đủ mạnh để tạo động lực khởi nghiệp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ mà đòi hỏi vốn và trình độ công nghệ cao...

Tham gia trả lời chất vấn của đại biểu QH, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng phát biểu ý kiến về việc bảo đảm việc cung ứng điện. Theo đó, điện năng là nhân tố không thể thiếu trong thúc đẩy công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn, như cơ cấu nguồn điện đã thay đổi rất nhanh so với quy hoạch điện đã được lập ra trước đây. Nhiều dự án chậm tiến độ cũng đã ảnh hưởng đến nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào lập quy hoạch điện mới, theo đó xác định rõ quy mô công suất nguồn của từng giai đoạn, xác định cơ cấu nguồn điện, xác định không gian để phân bổ điện hợp lý.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Chủ tịch QH ghi nhận Bộ trưởng Công thương đã trả lời rõ ràng, rành mạch, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành. Ðồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những bất cập, hạn chế của ngành trong thời gian qua, đối với công tác quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo. Ðể có những chuyển biến tích cực, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Công thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu QH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn...

Ðào tạo đội ngũ công chức, viên chức có trình độ, có trách nhiệm

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Công tác tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả được rất nhiều đại biểu QH quan tâm, đặt câu hỏi về quá trình thực hiện, kết quả và những vướng mắc hiện nay. Trả lời các đại biểu QH, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Việc giảm biên chế không thể tiến hành theo kiểu "cào bằng". Chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ quy định giảm trong tổng biên chế của địa phương và bộ, ngành quản lý. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ công việc hằng năm để điều chỉnh trên tổng biên chế và giao cho thủ trưởng đứng đầu quyết định, chứ không phải các đơn vị đều giảm 2%. Dự kiến đến năm 2021, chúng ta có thể thực hiện giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính. Trong hai năm qua, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm và Bộ Tài chính cắt giảm 2% kinh phí để chi thường xuyên. Như vậy, đến cuối năm 2020 sẽ giảm được 8,85%. Cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính, việc giảm số lượng công chức của cấp xã, chúng ta sẽ đạt được mức giảm 10% đối với công chức. Ðối với lĩnh vực viên chức, đến nay mới giảm được 4,26%. Nếu tăng thêm viên chức giáo dục, y tế theo yêu cầu thực tế của các địa phương thì trong 5 năm qua sẽ không giảm được một biên chế nào. Ðây là vấn đề cần được tính toán để các địa phương cùng Bộ Nội vụ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Về kết quả tinh giản biên chế cụ thể của các bộ, ngành được một số đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ báo cáo các đại biểu QH bằng văn bản thống kê về số lượng tinh giản của mỗi bộ, ngành. Riêng với Bộ Nội vụ, hiện nay đã giảm được 14 cấp phòng, không còn vụ nào có cấp phòng, loại bỏ trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mục tiêu đến năm 2021, Bộ Nội vụ giảm được 15% biên chế sẽ thực hiện được.

Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu vấn đề, xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng phục vụ, dịch vụ giáo dục và y tế ngày càng được nâng lên. Ðiều này gây khó khăn khi nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục và y tế. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay phần lớn các địa phương phản ánh là số giáo viên không đủ để đứng lớp và kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế ở các bệnh viện. Bộ Nội vụ đã thông báo cho các tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả số giáo viên còn thiếu và kể cả nhân viên y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là có người học thì phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh là phải có y tế để chăm sóc. Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo xác minh cụ thể ở từng địa phương và sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị.

Trong phiên trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân hai lần nhận trách nhiệm và thiếu sót của Bộ và cá nhân Bộ trưởng về việc đề án xây dựng cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm thực hiện và vấn đề thi tuyển, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ công chức, có quá nhiều quy định về văn bằng, chứng chỉ và kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa sửa được. Bộ trưởng cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Dân tộc để triển khai thực hiện đề án phù hợp thực tiễn. Các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để tăng tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số, miền núi trong bộ máy. Ðồng thời, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định mà không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào.

Ðổi mới hình thức thanh tra

Liên quan nạn tham nhũng vặt được nhiều đại biểu QH nêu ra, người đứng đầu ngành nội vụ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, giao Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng tổ kiểm tra công vụ tại các địa phương. Năm 2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1847/QÐ-TTg về đề án Văn hóa công vụ, đến nay cũng đã được Bộ Nội vụ triển khai rộng rãi. Ðối với những trường hợp cán bộ, công chức tham nhũng vặt bị phát hiện, Bộ Nội vụ đã kiên quyết xử lý, kỷ luật theo đúng quy định. Ðáng chú ý, đối với những cán bộ có biểu hiện tham ô, lãng phí, tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ Nội vụ luôn tham khảo thông tin của báo chí trên cơ sở báo cáo của UBND các tỉnh. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ đổi mới hình thức cũng như các biện pháp kiểm tra công vụ.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) và một số đại biểu khác về việc dù đã có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, nhưng nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm đạo đức công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định: quy trình nêu trên được triển khai rất chặt chẽ. Bộ Nội vụ đã có quyết định giao các cơ quan và cán bộ làm công tác tham mưu, tổ chức khi nhận hồ sơ cán bộ phải trực tiếp thẩm tra, xác minh lại để làm cơ sở đề bạt, bổ nhiệm, thay vì chỉ phụ thuộc vào đánh giá, nhận xét của cơ quan, đơn vị nơi làm hồ sơ. Nếu chưa kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ trong quá trình công tác trước khi được đề bạt, bổ nhiệm, thì đây là trách nhiệm quản lý cán bộ của mỗi cơ quan theo từng quá trình cụ thể. Ðể khắc phục tình trạng trên, hồ sơ cán bộ phải được quản lý kỹ càng, thông suốt ngay từ những khâu đầu tiên.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời một số chất vấn thuộc phạm vi trách nhiệm, đồng thời giải trình, làm rõ thêm các nội dung được các đại biểu QH quan tâm, chất vấn.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi trên tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Bộ trưởng nắm chắc tình hình, thực trạng, những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý, đưa ra các câu trả lời mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và QH. Nội dung chất vấn đều là những vấn đề mang tính thời sự, trong thực tiễn đang có vướng mắc, được các đại biểu QH và cử tri quan tâm. Ðồng thời, liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ, công chức, viên chức, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước gắn với công tác quản lý, điều hành của từng ngành, địa phương và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cơ sở các nghị quyết của T.Ư, QH và sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ. Ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành Nội vụ và cá nhân Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu QH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài; đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nội vụ.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đầu tư phát triển của ngành điện. Nhất là những vấn đề liên quan các cơ chế, chính sách, các cơ chế đặc thù hỗ trợ, khuyến khích để tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn. Những vướng mắc trong huy động đầu tư đường truyền tải điện hiện nay nằm ở Luật Ðiện lực. Theo đó, Luật Ðiện lực có quy định, Nhà nước độc quyền về truyền tải điện. Nhưng ở đây, không có nghĩa là độc quyền cả về đầu tư, chỉ độc quyền về quản lý. Chúng ta phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển ngành điện.

Trịnh Ðình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Chúng ta không đặt vấn đề giảm biên chế trong đơn vị sự nghiệp mà giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Riêng lĩnh vực này, các cơ quan của T.Ư làm rất tốt, đã giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 11,86%, còn đối với địa phương, các đơn vị mới đạt 4,26%, do khả năng xã hội hóa rất thấp. Tôi đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng lộ trình và tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách để tiến hành xã hội hóa, giao quyền tự chủ để từ đó có nền tảng, cơ sở tiếp tục giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ