Nhìn lại năm 2019

Vượt qua khó khăn, chủ động đối mặt thách thức

Năm 2019 là năm bản lề với nhiều sự kiện chính trị đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước. Trong nỗ lực phát triển và thành công chung của đất nước, có sự đóng góp to lớn của lực lượng công an nhân dân (CAND).

Ảnh minh họa: TTXVN.
Ảnh minh họa: TTXVN.

1. Làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương (CAT.Ư) dịp cuối năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 10 thành tựu nổi bật; ghi nhận, đánh giá cao lực lượng Công an (CA) đã phân tích, dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại; bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Một năm sôi động với hàng loạt sự kiện như: Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Việt Nam; Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019; các Hội nghị T.Ư 10, 11 khóa XII; các kỳ họp thứ bảy, tám Quốc hội khóa XIV… công tác an ninh đã được triển khai chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được nhân dân, bạn bè quốc tế tin tưởng. An ninh quốc gia được giữ vững và ổn định, không để xảy ra các hoạt động biểu tình, bạo loạn, hình thành công khai các tổ chức chính trị đối lập trong nước. Hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường, tạo vành đai bảo vệ an ninh của Việt Nam từ ngoài biên giới lãnh thổ, đặc biệt từ khối đoàn kết ASEAN láng giềng, góp phần phát hiện, phá vỡ các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động khủng bố, phá hoại của các tổ chức phản động và số đối tượng chống đối trong nước.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh kinh tế… tiếp tục được củng cố. Trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen, lực lượng CA đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết chỉ đạo các mặt công tác bảo đảm an ninh quốc gia; tham mưu giải quyết các tranh chấp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên Biển Đông. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia, an ninh mạng.

2. Năm 2019 với chủ đề công tác “Hoàn thiện thể chế, tăng cường cơ sở” toàn ngành tập trung đưa việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vào chiều sâu, trọng tâm là điều chỉnh, bố trí lại lực lượng và đổi mới phương thức hoạt động ở các cấp CA. Thực hiện quyết liệt phương châm giảm quân số ở cơ quan Bộ để tăng cường cho địa phương, giảm ở cấp tỉnh, cấp huyện, tăng cường cho xã, phường, thị trấn, như Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định: “Sẽ giảm biên chế ở Bộ xuống 15% tổng số cán bộ, chiến sĩ của lực lượng; 85% còn lại sẽ công tác tại các địa phương”.

Đảng ủy CA T.Ư đã có văn bản và được phần lớn các tỉnh, thành phố thống nhất chủ trương, bố trí CA chính quy đảm nhiệm chức danh CA xã, trong đó 38 địa phương đã xây dựng Đề án và được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Các cơ sở chính trị, pháp lý được kiện toàn với Quy định 192-QĐi/TW của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong CAND, Luật CAND sửa đổi, các Thông tư của Bộ Công an... Một số địa phương đã bố trí CA xã chính quy trên toàn địa bàn như: Bạc Liêu, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, An Giang, Cà Mau…

Đưa CA chính quy về xã, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặt ra nhiều vấn đề, từ nguồn lực, khả năng nắm địa bàn, nghiệp vụ cho tới tác phong cán bộ. Bộ Công an đã chỉ đạo sát sao các khâu lựa chọn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật; kỹ năng nắm tình hình, giải quyết việc tại xã cho CA chính quy trước khi về cơ sở. Cán bộ đảm nhiệm chức danh CA xã được bố trí từ CA huyện hoặc các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh. Trưởng CA xã, Phó trưởng CA xã được chọn trong số chỉ huy cấp đội hoặc tương đương, quân hàm từ thượng úy trở lên, đủ tuổi cơ cấu cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2020 - 2025 làm công chức xã.

Thực tiễn sẽ có câu trả lời để tiếp tục hoàn thiện chính sách. Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sâu sát cơ sở, tăng cường “tương tác” với nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa từ cơ sở là điểm nhấn quan trọng trong đổi mới công tác CA. Đưa CA chính quy về xã trước hết tạo chuyển biến tâm lý xã hội, răn đe các đối tượng có âm mưu, hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; trật tự an toàn xã hội từ trong suy nghĩ và ngay tại cơ sở. Tình hình an ninh trật tự (ANTT) có chuyển biến tích cực; tội phạm, vi phạm pháp luật giảm rõ rệt (điển hình một số xã ở Ninh Bình, Kon Tum, không xảy ra hoặc có rất ít phạm pháp hình sự trong cao điểm tấn công tội phạm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019). Quản lý nhà nước về ANTT; chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở được tăng cường; chất lượng nghiệp vụ nắm tình hình và giải quyết vấn đề ANTT từ gốc chuyển biến tốt…

Đó là những vấn đề cần ghi nhận, sơ kết, tổng kết cả về thực tiễn và lý luận.

3. Năm 2019, tình hình phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra cũng là một dấu ấn. Lần đầu tiên, Bộ Công an đăng ký chỉ tiêu kéo giảm từ 3% đến 5% tội phạm và thực tế cho thấy kết quả khả quan. Toàn ngành đã xử lý 37.454 vụ, đạt 81,85%, (vượt chỉ tiêu 11,85%). Tỷ lệ phá án nghiêm trọng đạt 91,80% (vượt chỉ tiêu 1,8%). Đã triệt phá 2.561 băng nhóm tội phạm hình sự; 8.657 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, bắt, vận động đầu thú, thanh loại 5.103 đối tượng truy nã.

Trước tình hình tội phạm tín dụng đen, đặc biệt là tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, gây bất ổn xã hội, ngành công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (4-2019) về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; ký Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2019-2022 với Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ban hành hướng dẫn “công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”, để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Lực lượng CA đã tập trung hoàn tất điều tra phục vụ truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp tiêu biểu như: Vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; Vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; Vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á…

Cuối tháng 11-2019, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất bổ sung hai vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án “buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị liên quan; và vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Tính chất khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn khẳng định quan điểm “không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, đồng thời phản ánh ý chí của cán bộ, đảng viên, nhân dân đòi hỏi phải bịt kẽ hở tham nhũng chính sách và lợi ích nhóm “hoàng hôn nhiệm kỳ”; triệt để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, thanh lọc cán bộ suy thoái biến chất, đặc biệt trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Năm 2019 cũng là năm chúng ta phải đối mặt các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp. Đó là vụ triệt xóa đường dây ma túy xuyên quốc gia quy mô rất lớn, thu giữ khoảng 300 kg ma túy đá, bước đầu tạm giữ 11 đối tượng do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan; các địa phương CA TP Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương (3-2019). Đó là vụ triệt phá đường dây sản xuất, mua bán xăng giả quy mô lớn trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, bắt 23 đối tượng, thu giữ gần 2,2 triệu lít xăng giả… do CA Đắk Nông phối hợp CA Sóc Trăng; TP Hồ Chí Minh; TP Cần Thơ; các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triển khai (từ 28-5 đến 2-6-2019). Đó là vụ Tổng cục Hải quan phối hợp Bộ Công an, Bộ Công thương và Đặc vụ an ninh nội địa Hoa Kỳ điều tra vụ nhập 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất vào Mỹ (10-2019). Vụ Cục An ninh mạng và tội phạm công nghệ cao bắt giữ ổ nhóm 380 người Trung Quốc tham gia tổ chức các website cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến với số tiền cá cược lớn nhất từ trước tới nay (khoảng 3 tỷ Nhân dân tệ - tương đương 10.000 tỷ đồng)...

Ngoài nỗ lực triệt phá, bóc gỡ đường dây lừa bán phụ nữ ra nước ngoài cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ diễn ra tại các tỉnh biên giới phía bắc như: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái…, CA đã phá vỡ những đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” - một dạng buôn người tinh vi. Tháng 1-2019, CA đã triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia hoạt động từ 5-2017, cho đến khi bị bắt giữ, chúng đã thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Hợp tác giữa Việt Nam với: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Thái-lan… trong khuôn khổ song phương và đa phương theo khuôn khổ Tiến trình Ba-li cho thấy trách nhiệm dự báo và nắm bắt những xu hướng mới nổi của tội phạm buôn người.

Vụ 39 người Việt Nam chết trong xe thùng sang Anh cuối tháng 10-2019 cho thấy sự phối hợp xử lý khẩn trương của hai Chính phủ Việt Nam - Anh trong giải quyết vấn đề nhân đạo. Việc Bộ CA phối hợp tích cực bóc gỡ các đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp, một mặt phản ánh tính chất khó khăn, thủ đoạn tinh vi của nạn mua bán người và nô lệ hiện đại, mặt khác tỏ rõ nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế qua việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 358 (4-2019) thực hiện Bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Anh trong hợp tác phòng, chống mua bán người; triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và giới thiệu Dự án “Đấu tranh mua bán người và nô lệ hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” (5-2019); nghiên cứu gia nhập Nghị định thư về chống người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển, đường không, bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Cùng với các sự cố: cháy Nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (8-2019), ô nhiễm nước sông Đà tại Hà Nội (10-2019), hàng loạt vụ việc trong năm 2019 liên quan đến đường lưỡi bò như: Bộ phim Người Tuyết bé nhỏ, sách giáo khoa của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, ô-tô nhập khẩu từ Trung Quốc khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương… phải kỷ luật, chấn chỉnh cán bộ; rà soát các quy trình hợp tác và nhập khẩu hàng hóa.

Từ khía cạnh an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước... những vụ việc nêu trên đã tác động xấu đến đời sống nhân dân, gây bức xúc dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn chính trị. Đồng thời với tăng cường tuyên truyền giáo dục, thực thi pháp luật, thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, đặc biệt ngành công an phải luôn đi đầu trong những nghiên cứu dự báo, tham mưu hoạch định chính sách cũng như giải pháp thống nhất, đồng bộ, lâu dài.

4. Kết thúc một năm thực hiện phương châm hành động trong toàn lực lượng “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, những thành tựu đạt được và bài học rút ra vẫn là công tác cán bộ, cán bộ là gốc của mọi việc. Học tập, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 6 điều Bác Hồ dạy CAND, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Quy định số 192-QĐi/TW của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong CAND luôn song hành với công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng CAND.

Thực tiễn những vụ kỷ luật, truy tố trong năm 2019 với một số tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, cán bộ, chiến sĩ trong ngành vi phạm pháp luật, vi phạm tư cách đạo đức “không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng CAND” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 (tháng 1-2019). Chống để xây và xây để chống. Những tấm gương tận tụy chiến đấu, hy sinh, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong lực lượng CAND, đã và sẽ tiếp tục là điểm tựa vì bình yên xã hội và hạnh phúc của nhân dân.