Vĩnh Phúc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

* Sóc Trăng tích cực cải thiện chính sách thu hút đầu tư

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao được mở rộng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả với quy mô lớn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Các mô hình sản xuất rau, quả theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đang phát triển mạnh.

Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ mới ở Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Vĩnh Điền, xã Kim Long, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) mang lại thu nhập cao cho người lao động. Ảnh: ANH TÚ
Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ mới ở Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Vĩnh Điền, xã Kim Long, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) mang lại thu nhập cao cho người lao động. Ảnh: ANH TÚ

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và khuyến khích người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ đầu tư chăn nuôi lợn, hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả, hoa an toàn các loại theo quy trình VietGAP; hỗ trợ trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế, hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tăng cường đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, từng bước giúp người nông dân hình thành các mối liên kết trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm...

* Thời gian gần đây, tỉnh Sóc Trăng có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 900 lượt nhà đầu tư đến tìm cơ hội đầu tư vào địa phương với hơn một trăm dự án được cấp chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký 27.282 tỷ đồng; trong đó có chín dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số dự án đã và đang triển khai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2020, ngoài quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất; tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh chú trọng cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường... hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, để nhiều nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế, quản trị, công nghệ tiên tiến đến đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Tỉnh cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn triển khai các dự án kết cấu hạ tầng liên vùng, xã hội hóa đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề; khai thác lợi thế giao thông thủy, bộ dọc theo sông Hậu, kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; cải thiện chính sách, môi trường thu hút đầu tư là giải pháp mũi nhọn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.