Vĩnh Long huy động nhiều nguồn lực chăm lo người có công

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, thực hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp "Uống nước, nhớ nguồn", "Ðền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, công tác chăm lo người có công luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chú trọng triển khai thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, chăm lo người có công và thân nhân người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau, đã xoa dịu phần nào nỗi đau của chiến tranh để lại.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thảo (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) đang xây dựng ngôi nhà mới từ kinh phí do địa phương hỗ trợ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thảo (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) đang xây dựng ngôi nhà mới từ kinh phí do địa phương hỗ trợ.

Giải quyết hồ sơ tồn đọng nhanh chóng

Ðiểm nổi bật trong công tác chăm lo người có công ở Vĩnh Long là thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhất là việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, thẩm định và giải quyết kịp thời hồ sơ của đối tượng người có công. Từ năm 2016 đến nay, đã tiếp nhận thẩm định và giải quyết hơn 20.000 hồ sơ người có công như: Phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 148 mẹ; công nhận mới 78 hồ sơ liệt sĩ; cấp đổi hơn 2.000 Bằng Tổ quốc ghi công hư, cũ; trao Huân chương Ðộc lập tặng 23 gia đình có nhiều con là liệt sĩ...

Thực hiện Quyết định 408/QÐ-BLÐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng để xác nhận người có công, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện giải quyết dứt điểm 85 hồ sơ liệt sĩ tồn đọng từ năm 1995. Trong quá trình giải quyết còn nhiều trường hợp không đủ hai người công tác chung xác nhận, chưa đủ cơ sở để xác nhận liệt sĩ. Ðể giải quyết những trường hợp này, tỉnh tiến hành xác minh những người hoạt động kháng chiến cùng thời với đối tượng để có thêm căn cứ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Sau đó, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ có ý kiến đối với từng trường hợp, để làm cơ sở xem xét giải quyết. Riêng trường hợp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hy sinh, nhưng không còn người ở tù chung xác nhận, cơ quan chức năng đã tham mưu đề nghị Công an tỉnh phối hợp liên hệ Cục Hồ sơ (Bộ Công an) sưu tra và Công an tỉnh lập phiếu xác minh những trường hợp này không có chứng cứ đầu hàng, phản bội, chiêu hồi để đề nghị xác nhận liệt sĩ dạng mất tin, mất tích.

Cụ thể như trường hợp của liệt sĩ Ðỗ Văn Thân, ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Năm 2018, ông Ðỗ Phát Thời là người con thứ trong gia đình tìm đến Sở LÐ-TB và XH tỉnh nhờ tìm lại hồ sơ của cha mình. Không để người nhà đợi lâu, các cán bộ Phòng Người có công đã đi đến nhiều nơi để sưu tra. Cuối cùng, hồ sơ công nhận liệt sĩ Ðỗ Văn Thân cũng hoàn thành trong niềm hân hoan của gia đình.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, tỉnh Vĩnh Long đã chi trả trợ cấp cho hơn 484.000 lượt đối tượng, số tiền hơn 662 tỷ đồng, giải quyết chế độ mai táng phí đối với các đối tượng hưởng trợ cấp một lần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho gần 700 đối tượng, số tiền hơn tám tỷ đồng; thực hiện chi trả trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hằng năm cho hơn 45.000 lượt đối tượng, kinh phí hơn 23 tỷ đồng... Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công nhân các dịp Tết Nguyên đán, 27-7 được đặc biệt quan tâm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi và tặng quà hơn 200.000 đối tượng, kinh phí hơn
53 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thể hiện lòng tri ân đối với người có công, cựu chiến binh có nhiều công lao, cống hiến cho nền độc lập của đất nước, tỉnh đã tổ chức đưa 37 người có công, cựu chiến binh đi thăm lại chiến trường Cam-pu-chia, 68 người đi thăm Côn Ðảo, 291 người có công và thân nhân người có công đi thăm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc... Công tác vận động Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" luôn được chú trọng, vì đây là nguồn lực chính để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa như: thực hiện tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công, hoặc thân nhân của họ; thăm hỏi hỗ trợ người có công, hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn... Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã vận động Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" được hơn 39,6 tỷ đồng.

Xây nhà mới cho gia đình chính sách

Theo Sở LÐ-TB và XH tỉnh Vĩnh Long, thực hiện Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg và Nghị quyết số 63/NQ-CP về hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, tỉnh đã nỗ lực, chủ động, có nhiều cách làm sáng tạo, nhằm giúp các gia đình từng bước cải thiện điều kiện về nhà ở. Sau sáu năm thực hiện, toàn tỉnh có 3.192 căn nhà được xây mới, 2.920 căn nhà được sửa chữa. Những căn nhà mới khang trang đã tạo sự phấn khởi và trở thành nguồn động viên người có công với cách mạng trong tỉnh khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Vũng Liêm là địa phương có số lượng gia đình người có công khó khăn được hỗ trợ về nhà ở nhiều nhất tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.587 căn nhà, với tổng kinh phí gần 53 tỷ đồng, giúp các gia đình có nơi ở an toàn, thoải mái... Gia đình bà Trần Thị Lắm (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm) là một trong những hộ được bàn giao nhà dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-2019). Niềm vui nhân lên khi bà được tặng món quà là sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Bà Lắm cho biết, bà là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, cho nên chưa có điều kiện xây căn nhà mới. Nhìn căn nhà khang trang, gia đình bà rất mừng vì đã có chỗ ở kiên cố, an toàn, không phải phập phồng lo sợ mỗi khi trời mưa bão.

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Thảo (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình), Tết Nguyên đán 2020 sắp tới sẽ là cái Tết ấm áp của gia đình khi vừa được địa phương vận động kinh phí giúp xây căn nhà mới. Trước đây, gia đình ông Thảo từng được hỗ trợ một căn nhà tình nghĩa, nhưng theo thời gian, nhà xuống cấp, mưa đến là ướt và ngập hết. Mấy năm qua, gần 10 người trong gia đình phải chen chúc nhau sống tạm vì không đủ tiền xây mới. Ðược UBND xã hỗ trợ xây dựng căn nhà, vợ chồng ông đã đóng góp thêm một ít tiền và ngày công để sớm hoàn thành, hy vọng con cháu được đón Tết trong căn nhà mới khang trang... Trong mấy năm qua, huyện Tam Bình đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.484 căn nhà cho người có công, với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng. Việc hỗ trợ kịp thời về nhà ở đối với người có công và thân nhân đã tạo sự phấn khởi, giúp họ yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch nâng cao mức sống hộ nghèo, cận nghèo thuộc chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo thuộc chính sách người có công với cách mạng tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, tín dụng, việc làm, đào tạo nghề. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp phấn đấu đến cuối năm 2023 không còn hộ nghèo, cận nghèo người có công, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lư Quang Ngời cho biết: Việc chăm lo đối với người có công luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, cho nên việc thực hiện các chính sách đối với người có công được thuận lợi. Công tác vận động Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" hằng năm nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội, tỷ lệ vận động đạt và vượt so với kế hoạch, góp phần quan trọng trong việc giải quyết hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với người có công.

Thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách đối với người có công nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân đối với người có công với cách mạng. Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công. Tổ chức các lớp tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm để xử lý các tình huống, hồ sơ phức tạp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, gia đình chính sách. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo. Phối hợp thực hiện Ðề án tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt còn thiếu thông tin. Huy động nguồn lực cùng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ bảo đảm ổn định, lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ðẩy mạnh các phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Uống nước, nhớ nguồn", "Xã, phường, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công" nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, các gia đình chính sách. Thực hiện hỗ trợ dứt điểm xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng theo danh sách đã khảo sát năm 2017. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thuộc chính sách người có công với cách mạng thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật người có công.