Việt Nam tham dự "Diễn đàn Paris vì Hòa bình lần thứ 2"

NDO -

NDĐT- Từ ngày 11 đến 13-11, tại thủ đô Paris (Pháp), đã diễn ra "Diễn đàn Paris vì Hòa bình lần thứ hai năm 2019" để thảo luận về sáu chủ đề chính như: hòa bình và an ninh, môi trường, phát triển, công nghệ mới, văn hóa và giáo dục, kinh tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận về 70 năm các Công ước Giơ-ne-vơ (1949-2019).

Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu tại diễn đàn.

Đây là lần thứ hai Diễn đàn hòa bình được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lần đầu được tổ chức vào năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron đã có bài phát biểu khai mạc tại diễn đàn lần thứ hai.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: "Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát khao giành độc lập, tự do Việt Nam dự diễn đàn lần này mong muốn được góp phần của mình để bảo vệ hòa bình và chống chiến tranh, đồng thời chia sẻ với các đại biểu tham dự diễn đàn về những vấn đề, những chủ đề mà diễn đàn trao đổi, từ kinh nghiệm của Việt Nam, tinh thần nhân đạo được thể hiện qua công ước Giơ-ne-vơ được thông qua năm 1949 mà các nước kỷ niệm 70 năm có ý nghĩa như thế nào đối với các dân tộc trên thế giới.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, phải gánh chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng chúng tôi luôn coi trọng tinh thần nhân đạo và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 mà Việt Nam đã tham gia vào năm 1957. Tại đây, chúng tôi cũng có dịp chia sẻ ý kiến về vấn đề để không xảy ra thảm họa của chiến tranh thì trước tiên phải ngăn ngừa chiến tranh, vì vậy cần phải thượng tôn pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Tại Diễn đàn, trong buổi thảo luận, các đại diện đến từ châu Phi, châu Mỹ La-tinh cũng đề cập đến những yếu tố quan trọng về việc phải ngăn ngừa chiến tranh trước khi nói đến vấn đề nhân đạo trong chiến tranh. Muốn ngăn ngừa chiến tranh cần phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, của hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), trong đó phải tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bên cạnh đó, Diễn đàn sẽ thông qua các dự án trong các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, chống bất bình đẳng giới, chống các thông tin sai lệch và các tội phạm qua mạng internet.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, tất cả các hoạt động vì hòa bình đều có ý nghĩa rất quan trọng, Diễn đàn tổ chức vì hòa bình với sự tham gia của đại diện của nhiều giới khác nhau, bao gồm các nhà lãnh đạo cấp cao, các nhà nghiên cứu, các tổ chức chính trị xã hội và các thành phần khác... sẽ tiếp sức thêm cho phong trào vì hòa bình và có ý nghĩa hơn trong việc bảo vệ hòa bình, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay, một mặt thuận lợi là có xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chính, tuy nhiên chúng ta vẫn còn thấy tranh chấp, xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới và ngay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước để giải quyết các tranh chấp.

"Mong muốn của các dân tộc trên thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng cũng có xu hướng, yếu tố và những diễn biến phức tạp khiến chúng ta lo ngại. Vì vậy, tôi cho rằng diễn đàn hòa bình có sự tham gia rộng rãi và quan tâm của nhiều giới, đặc biệt có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao của nhiều nước và cả người dân chính là những lực lượng đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào hòa bình", Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.

Phía Việt Nam cũng có dịp trao đổi và thông tin về những mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào công việc của Hội đồng bảo an LHQ khi đảm nhiệm vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Tại Diễn đàn, đoàn Việt Nam đã gặp gỡ các đối tác, trao đổi với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế; hoan nghênh những đóng góp của Hội chữ thập đỏ Quốc tế đối với quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước của Việt Nam, xử lý hậu quả do thiên tai xảy ra hiện nay. Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã trao tặng cuốn sách "Tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh" cho Diễn đàn.

"Diễn đàn Paris vì Hòa bình lần thứ 2" có sự tham dự của 136 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó có khoảng 30 nhà lãnh đạo các nước và chính phủ, hơn 15 nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu mới được bầu. Trong ba ngày diễn ra, Diễn đàn đã có hơn 7.000 đại biểu quốc tế tham dự.