Từ quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bàn thêm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị cấp tỉnh hiện nay

NDO -

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã mở lớp huấn luyện những thanh niên Việt Nam ưu tú về chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề có liên quan để sau này họ trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng, lãnh đạo cách mạng đi tới thắng lợi. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1), “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nên theo Người, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(2 ).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị.

Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Công tác cán bộ là then chốt của then chốt.

Thấm nhuần sâu sắc hơn ai hết vị trí, vai trò của công tác cán bộ, huấn luyện cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ nhiều lần về thăm và làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mà còn về thăm và làm việc với hai trường chính trị cấp tỉnh mang tên hai cố Tổng Bí thư kính mến: Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định (chiều ngày 8-2-2017) và Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị (chiều ngày 6-4-2017). Đó là những mốc son có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với hai trường chính trị nói trên mà còn đối với cả hệ thống trường chính trị của cả nước. Bởi vì lần đầu tiên, đồng chí Tổng Bí thư của Đảng không chỉ đến thăm một mà là thăm hai trường chính trị cấp tỉnh, đem đến niềm tin tưởng sâu sắc và động lực to lớn đối với hơn 3.000 cán bộ, giảng viên và hàng vạn lượt học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đang theo học tại các trường chính trị cấp tỉnh trong cả nước.

Nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên của hai trường chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương các trường đã khắc phục nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do các Tỉnh ủy giao cho. Đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm nổi tiếng của V.I.Lênin trong tác phẩm “Làm gì” nói về vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận cách mạng: Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng, chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong. Đồng chí Tổng Bí thư cũng dẫn lại lời dạy giản dị mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn: Lý luận như cái kim chỉ nam, không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông… Vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đặc biệt tự giác học tập, rèn luyện, khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị. Các trường chính trị có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên cơ sở trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các trường chính trị phải giúp cho người học rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch… Các trường chính trị phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy bề dày truyền thống và những bài học kinh nghiệm quý trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn địa phương để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những ngôi trường có vinh dự lớn được mang tên cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Về thăm hai trường chính trị cấp tỉnh, đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan Trung ương có liên quan, các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho tích cực chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo để các trường chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Hơn một năm sau khi đồng chí Tổng Bí thư về thăm hai trường chính trị cấp tỉnh, Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định số 09-QĐi/TW với rất nhiều nội dung mới, xác định trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

Theo đó, tổ chức bộ máy của trường chính trị được sắp xếp lại, tinh gọn, có chiều sâu với ba khoa, hai phòng chức năng nhưng chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị lại được mở rộng nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý là, ngoài những chức năng đã được quy định trước đây, nay trường chính trị cấp tỉnh được Ban Bí thư giao thêm chức năng tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư về hai trường chính trị cấp tỉnh, thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư, vị thế của các trường chính trị cấp tỉnh được nâng lên rõ rệt. Đơn cử một ví dụ: lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã về làm việc với  trường chính trị nhiều hơn, nhiều đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy đồng thời là hiệu trưởng trường chính trị; nhiều đồng chí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường chính trị được điều động giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư các huyện, thành, thị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2008 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần giải quyết một số vấn đề căn cốt đã và đang đặt ra.

Thứ nhất, các trường chính trị cấp tỉnh trong cả nước mong muốn Ban Bí thư sớm ban hành bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn với những tiêu chí cụ thể, đặc thù đối với lãnh đạo trường, lãnh đạo các khoa, phòng, giảng viên, về cơ sở vật chất - kỹ thuật, về đối tượng người học, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn đầu vào, đầu ra. Cần xem đây là giải pháp mang tính đột phá, đi trước một bước để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở, chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của địa phương. Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư, chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị cấp tỉnh đã được mở rộng, có những chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn mới, khó khăn hơn, yêu cầu cũng cao hơn. Không có tiêu chí trường chính chị chuẩn rất khó khắc phục và tháo gỡ được những điểm nghẽn mà bấy lâu nay các trường chính trị không tự khắc phục được, đó là: Bị động, hẫng hụt về công tác cán bộ; cán bộ, giảng viên chất lượng thấp, không được đào tạo đúng chuyên ngành, kiến thức thực tiễn yếu; công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tế bị coi nhẹ, cơ sở vật chất - kỹ thuật chắp vá, lạc hậu, xuống cấp; giữa trường chính trị với sở nội vụ có những hoạt động chồng chéo…

Thứ hai, lãnh đạo các địa phương cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của trường chính trị cấp tỉnh và quan trọng hơn là thực sự chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực một cách hiệu quả, tương xứng với vị trí, vai trò và tính chất đặc thù của các trường với tư cách là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất của tỉnh, thành phố, sao cho các trường chính trị vừa là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa là cơ sở nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có uy tín của địa phương. Rất cần một giải pháp căn cơ, bài bản (mà thực tiễn đã được kiểm nghiệm tại một số địa phương) là trường chính trị phối hợp với ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy xây dựng để ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thông qua Đề án tổng thể phát triển trường chính trị từ nay đến năm 2030, tầm nhìn những năm tiếp theo. Thực tế cho thấy đây là giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để chuẩn hóa trường chính trị, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, chấm dứt tình trạng “ăn đong”, thụ động dẫn đến hậu quả không biết đến bao giờ trường mới ra trường, lớp mới ra lớp, học viên ra trường có đầy đủ bằng cấp nhưng hiệu quả công tác không đạt yêu cầu. Có như vậy mới tạo nên sự đồng bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, hạn chế tình trạng cán bộ được điều về trường chính trị để “tráng men”, chức vụ trước khi lên cao hơn (có trường chính trị trong năm năm gần đây thay bốn hiệu trưởng), hoặc không còn tuổi tái cử, thậm chí “có vấn đề” ở nơi khác thì điều về trường chính trị. Phương án bố trí một đồng chí trong ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đồng thời là hiệu trưởng trường chính trị trên thực tế hàng chục tỉnh áp dụng cũng là một phương án khả thi, hiệu quả rõ nét, cần được rút kinh nghiệm để có thể mở rộng hơn. Đồng thời, trên cơ sở Đề án, từng bước hiện đại hóa trường chính trị, tiến tới chấm dứt việc đầu tư manh mún, dàn trải, lãng phí mà cơ sở vật chất - kỹ thuật vẫn lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu.

Thứ ba, các trường chính trị cần chủ động phối hợp ban tổ chức của các tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan làm tốt công tác tham mưu cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về mọi mặt hoạt động của trường chính trị, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; khắc phục sự ỷ lại hoặc thụ động trông chờ. Các trường chính trị cần tự vượt lên chính mình, xây dựng thương hiệu từ chất lượng đội ngũ, chất lượng giảng dạy, kết quả nghiên cứu khoa học, tham góp được nhiều vấn đề mới mẻ, cụ thể, sâu sát, khả thi với tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Có như vậy mới thể hiện được ưu thế vượt trội, vai trò quan trọng và đặc thù của trường Đảng, không bị chìm, bị lẫn vào các trường đào tạo nghề của địa phương. Phải có đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên chất lượng cao, tâm huyết với nghề nghiệp mới có thể xây dựng được chương trình, biên soạn được giáo trình, tài liệu giảng dạy cho nhiều đối tượng, đáp ứng yêu cầu của các địa phương. Các trường chính trị cần đi đầu trong việc đổi mới cách dạy và học lý luận chính trị, phù hợp với đối tượng, sát thực tiễn; từng bước cân đối giữa hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Các trường chính trị với tư cách là trường Đảng phải hơn bất cứ một trường nghề nào trong việc đi đầu thực hiện nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

------

(1), (2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.280, 309