Trường đại học Kinh tế quốc dân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)

* Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu ý kiến

Tối 18-11, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân (ÐHKTQD) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý, người lao động Trường ÐHKTQD nói riêng và các thế hệ nhà giáo trong cả nước nói chung sức khỏe, hạnh phúc, luôn tâm huyết, trí tuệ và không ngừng phấn đấu, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, vì tương lai của đất nước và sự phồn vinh của dân tộc. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi đến thăm và dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường ÐHKTQD. Suốt chặng đường 63 năm xây dựng và phát triển, trường đã khẳng định được vị trí là trường đại học trọng điểm quốc gia; hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam; có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, với đội ngũ hơn 1.000 cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức có tâm huyết, trình độ, năng lực, Trường ÐHKTQD là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự phát triển các ngành kinh tế - xã hội ở nước ta. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã được phong giáo sư, phó giáo sư; được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; nhiều giảng viên và các nhà nghiên cứu giỏi là nguồn lực quan trọng tạo nên thành công và khẳng định vị trí của nhà trường trong đào tạo ra các nhà quản lý kinh tế giỏi cho đất nước. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng cao; nhiều cựu học viên, sinh viên của trường đã và đang giữ những vị trí, trọng trách trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước và các doanh nghiệp lớn của nền kinh tế. Cùng với công tác đào tạo, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về sự phát triển nền kinh tế nước ta, đặc biệt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoạch định chủ trương, đường lối, chiến lược và cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tri thức, tích cực chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các trường đại học ở Việt Nam, trong đó có Trường ÐHKTQD có vai trò rất quan trọng, góp phần thiết thực vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế. Vì vậy, Trường ÐHKTQD cần tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo gắn với đặc điểm, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đào tạo gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp; cập nhật và tiếp thu có chọn lọc các nội dung đào tạo tiên tiến trên thế giới để có thể hình thành một chương trình đào tạo phù hợp, thích ứng hơn với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trên quan điểm lấy người học làm trung tâm; bảo đảm người học có quyền và có cơ hội tiếp cận các chương trình và nội dung đào tạo tốt nhất, tiên tiến nhất. Xây dựng và phát triển để không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút ngày càng nhiều nhân tài trong và ngoài nước tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi để mỗi cán bộ, giảng viên không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Ðồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng của học viên, sinh viên không chỉ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu lao động trong môi trường quốc tế. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng các công nghệ mới để thay đổi căn bản công nghệ đào tạo và quản trị nhà trường thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng trường theo mô hình đại học hiện đại, thông minh; trở thành nơi kết nối các trường trong nước và quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh…

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ trao Huân chương Lao động hạng ba tặng tập thể công đoàn và ba cá nhân Trường ÐHKTQD.

★ Tối 18-11, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương lần thứ nhất - năm 2019. Ðến dự, có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Ðảng, Nhà nước luôn coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, phát triển giáo dục - đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu có mặt tại buổi lễ dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng đều là những tấm gương sáng, hình ảnh đẹp trong đời sống, xã hội. Nhấn mạnh những trách nhiệm to lớn của ngành giáo dục trong thời đại mới gắn với các mục tiêu phát triển của đất nước, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, cổ vũ, khuyến khích, biểu dương các thầy cô giáo trẻ tiêu biểu; lan tỏa các tấm gương để ngày càng có thêm nhiều người trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; hỗ trợ các giáo viên trẻ đang ngày đêm nỗ lực ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ðồng thời, mong muốn 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp, luôn giữ vững vai trò định hướng, dẫn dắt học sinh trở thành người chủ tương lai của nước nhà.

Lần đầu tiên triển khai, giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" nhận được 229 hồ sơ ứng viên nhà giáo trẻ từ khắp cả nước, từ đây chọn ra 75 cá nhân xuất sắc nhất để tuyên dương. Trong đó, có 46 thầy giáo, 29 cô giáo; theo thành phần dân tộc, có chín nhà giáo trẻ người dân tộc thiểu số; theo học vị, có 14 tiến sĩ, 26 thạc sĩ và 35 cử nhân. Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương, 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu giao lưu với sinh viên, thanh niên tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội; dự lễ dâng hương tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh...

★ Ngày 18-11, tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đến thăm, chúc mừng GS, TS Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Ðồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự đóng góp to lớn của GS, TS Trần Hồng Quân cho ngành giáo dục trên nhiều cương vị khác nhau. Khi còn ở cương vị là Bộ trưởng GD và ÐT, cũng như khi nghỉ hưu, GS, TS Trần Hồng Quân luôn dành nhiều tâm huyết, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ðảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp của đồng chí Trần Hồng Quân và mong muốn bằng những kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí tiếp tục có những đóng góp cho ngành giáo dục nhiều hơn nữa.

Ðồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, thời gian qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục bằng nhiều chương trình, chính sách khác nhau. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế cần được khắc phục, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Do đó, những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, những thầy giáo, cô giáo là cơ sở quan trọng để ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển GD và ÐT, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế…

★ Ngày 18-11, Trường đại học Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư dự.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những thành tựu Trường đại học Hà Nội đạt được. Thời gian tới, trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Trường đại học Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và quản trị, phát triển theo định hướng đại học ứng dụng; tăng cường hợp tác liên kết với các trường đại học nước ngoài; nghiên cứu thay đổi về giáo trình, phương pháp hướng tới mục tiêu cuối cùng là đầu ra; phát huy được sự sáng tạo, tự chủ, tự tin của sinh viên; đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng…

Ðồng chí Nguyễn Văn Bình tin tưởng, trong chặng đường phát triển tới đây, Trường đại học Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước…

★ Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 18-11, tại Trung tâm TP Ðiện Biên Phủ, Sở GD và ÐT tỉnh Ðiện Biên tổ chức gặp mặt, tri ân các thầy giáo, cô giáo đoàn giáo viên 1959 và các thế hệ giáo viên đã công tác, cống hiến cho ngành giáo dục Ðiện Biên trong những năm qua. 19 thầy giáo, cô giáo đoàn giáo viên 1959 cùng đại diện hàng trăm cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Ðiện Biên về dự.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và Bác Hồ, năm 1959, có 860 giáo viên các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi; trong đó tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Lai Châu và Ðiện Biên) đón hơn 500 giáo viên. Những ngày đầu ở vùng cao biên giới các thầy cô lặn lội đến từng bản tự tay dựng trường. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo, cô giáo lại cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn; vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục. Một thời gian ngắn, nơi các thầy cô đến, phong trào giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn…

★ Sáng 18-11, Sở GD và ÐT tỉnh Ðắk Lắk đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì. Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại truyền thống tốt đẹp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tại Ðắk Lắk, thời gian qua, ngành GD và ÐT tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng GD và ÐT. Ðến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 69,95% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn.