Trung với nước, hiếu với dân - một phẩm chất cơ bản trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Trong di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không có nhiều tác phẩm lớn về đạo đức, nhưng qua những bài viết, bài nói và những việc làm cụ thể của Người đã  thể hiện những quan điểm cơ bản, toàn diện, sâu sắc về vai trò, nội dung và những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Trong bài viết này, chúng tôi  xin được góp phần tìm hiểu, làm rõ thêm một trong những chuẩn mực cơ bản nhất trong nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã được  khái quát  trong sáu chữ: "Trung với nước, hiếu với dân".

1. Trung với nước, hiếu với dân trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải là những điều mới được đặt ra, mà đó là những phẩm chất đạo đức vốn có từ xa xưa trong tư tưởng đạo đức truyền thống phương Ðông nói chung và đạo đức truyền thống Việt Nam nói riêng.

Theo Người, trung là trung với nước, là trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Ðảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Nước ở đây với ý nghĩa "Dân là con nước, nước là mẹ chung", là nước của dân, của toàn dân tộc chứ không phải của riêng  ai, và chính mỗi người dân là những "chủ nhân ông" của đất nước. Mối quan hệ nước-dân, dân-nước mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hòa quyện với nhau trong một thể thống nhất về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi công dân với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Về chữ hiếu, theo Hồ Chí Minh, là hiếu với dân. Hiếu với dân không phải chỉ là hiếu với cha mẹ mình  như người xưa vẫn nói, mà là hiếu với nhân dân, với toàn dân tộc, vì "nước lấy dân làm gốc", dân là "gốc" của nước. Bác Hồ từng chỉ rõ: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân"(1); "Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Ðảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà... đạo đức ngày nay cao rộng hơn: không phải chỉ có hiếu với bố mẹ, mà trung với nước, hiếu với dân"(2); "Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò.

Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa...

Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một cách rộng và hiểu như thế mới là đúng"(3)...

 2. Trung với nước, hiếu với dân theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi công việc cách mạng của Ðảng, trong từng suy nghĩ, việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên  và mỗi người dân. Dù mục tiêu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng  khác nhau, nhưng yêu cầu về trung, hiếu luôn nhất quán và là tiêu chí chung cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và rèn luyện. Ðó là, lòng yêu nước thương nòi, tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc; là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân với cộng đồng, với sự nghiệp  của Ðảng và dân tộc, với sự hưng vong của đất nước; là ý chí và nghị lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng; là sự tin yêu, kính trọng nhân dân. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng Ðảng, lãnh đạo cách mạng, Bác thường xuyên quan tâm tới việc nâng cao tinh thần trung, hiếu ở mỗi người dân Việt Nam yêu nước nói chung,  cán bộ, đảng viên  nói riêng, và đòi hỏi họ phải luôn ghi sâu trong lòng những chữ "trung với nước, hiếu với dân".

Chúng ta có thể thấy rõ điều này ngay từ những ngày đầu cách mạng. Khi mở lớp huấn luyện, đào tạo lớp cán bộ đầu tiên của Ðảng (ở Quảng Châu, Trung Quốc), một trong những vấn đề đầu tiên đồng chí Nguyễn Ái Quốc quan tâm là, đào tạo những người tự nguyện hy sinh phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; học tập, tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là để  "giữ chủ nghĩa cho vững", tuyệt đối trung thành với sự nghiệp lớn của Ðảng, biết đoàn kết và tổ chức quần chúng thực hiện.

Khi Ðảng ta được thành lập, Người luôn nhắc nhở : "Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Ðảng để làm đày tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải là "quan" nhân dân"(4). Khi Ðảng ta trở thành Ðảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: "Ðảng ta là Ðảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Ðảng ta không có lợi ích gì khác", "Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân"(5)...   Vì vậy, Người luôn chỉ rõ cho mọi người thấy và hiểu rõ vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng là: Việc gì  lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh.    

Chính trong quá trình ấy, Người  đã nêu tấm gương sáng về lòng "tận trung với nước, tận hiếu với dân". Lòng trung, hiếu ở Người là nhất quán, trước sau như một. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, hướng tới mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, cơm no áo ấm cho đồng bào, Người đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Trong lao tù của bọn thực dân, đế quốc, lòng kiên trung bất khuất, quyết tâm giải phóng dân tộc, cơm no áo ấm cho đồng bào càng  được bồi đắp thêm. Khi  đất nước giành được độc lập, Người "tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào", không muốn "dính líu gì với vòng danh lợi" mà "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" .

3.  Sau Ðại thắng Mùa Xuân 1975, nhân dân cả nước cùng chung sức xây dựng đất nước. Hậu quả nặng nề sau chiến tranh và những biến động sâu sắc của tình hình thế giới đã  dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của Ðảng là lãnh đạo quần chúng chiến thắng  nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, một lần nữa tinh thần "trung với nước, hiếu với dân" của đội ngũ những người cách mạng được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.   

Trung với nước, hiếu với dân trong giai đoạn hiện nay trước hết là trung thành với con đường cách mạng  mà Ðảng ta và Bác Hồ đã chọn, là trung thành với sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là sự thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mỗi người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ðể đạt được mục tiêu trên, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt các việc sau đây:

Một là, giáo dục một cách thường xuyên, sâu rộng trong toàn dân để mỗi người nhận thức sâu sắc và đầy đủ về truyền thống trung, hiếu của dân tộc, về những hy sinh to lớn của các thế hệ ông cha ta để chúng ta có được ngày nay, qua đó  nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, coi đó là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước.

Hai là, tổ chức và lãnh đạo toàn dân nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để mỗi người dân đều có thể góp sức mình vào sự nghiệp chung của Ðảng ta, đất nước ta, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thành một khối vững chắc như "Thành đồng" của Tổ quốc. Ðồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân - gia đình - tập thể - xã hội, giữa nghĩa vụ và quyền lợi.

Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của  mỗi người trong từng công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", đưa "dân tộc ta bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu" như Bác Hồ hằng mong muốn.

TS Chu Đức Tính (Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, T.8, tr 276.

(2) SÐD, T.12, tr. 554, 558.

(3) SÐD, T.7, tr. 60, 61.

(4) SÐD, T12, tr 222.

(5) SÐD, T7, tr 572.