Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Các đại biểu dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội 
khóa XII, trao đổi ý kiến trong giờ giải lao.
Các đại biểu dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, trao đổi ý kiến trong giờ giải lao.

Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên long trọng tuyên bố "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" (Ðiều 1). Nguyên tắc đó được tiếp tục khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và hoàn thiện, phát triển sâu sắc hơn ở Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001): "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" (Ðiều 2).

Nhờ đứng vững trên quan điểm và nguyên tắc đó mà nhà nước ta không ngừng lớn mạnh, vượt qua được muôn vàn khó khăn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới, điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế thì nguyên tắc "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" đòi hỏi phải có những nhận thức mới, nội dung mới sâu sắc hơn.

Hiến pháp năm 1992 (năm 2001 sửa đổi, bổ sung một số điều) đã nhấn mạnh quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công và phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nhưng nhân dân trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho các cơ quan tư pháp. Chứ không phải nhân dân trao hết thảy quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, rồi đến lượt mình, Quốc hội lại trao quyền cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp.

Theo Ðiều 84 Hiến pháp năm 1992, nhân dân chỉ trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: quyền hạn và nhiệm vụ về lập hiến, lập pháp, quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao và quyền hạn và nhiệm vụ về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quan niệm đó hoàn toàn phù hợp với dân chủ XHCN. Bởi vì, dân chủ XHCN đòi hỏi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng hình thức dân chủ đại diện mà còn bằng cả dân chủ trực tiếp, trong đó có trưng cầu ý dân. Có như vậy, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mới đúng, mới bảo đảm thực hiện đầy đủ, không hình thức.

Như vậy, thống nhất quyền lực nhà nước được hiểu là toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tập trung thống nhất ở nhân dân chứ không phải thuộc về Quốc hội. Quan niệm đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực. Trước hết, điều đó chỉ ra rằng quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là nhân dân, đều do nhân dân ủy quyền, giao quyền.

Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhất trước hết là sự thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước. Cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tuy có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một nhà nước "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" như Ðảng ta đã chỉ ra.

Quan niệm quyền lực nhà nước là thống nhất như nói trên là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đề cao trách nhiệm trước nhân dân, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ mà nhân dân đã ủy quyền. Ðó cũng là cơ sở để không có chỗ cho các yếu tố cực đoan, đối lập, thiếu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các quyền, nhất là giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Ðồng thời, đó cũng là điều kiện để hình thành cơ chế kiểm soát, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các quyền từ bên trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng như từ bên ngoài là nhân dân.

Như vậy, quyền lực nhà nước là thống nhất và tập trung ở nhân dân, chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước là quan niệm có ý nghĩa chỉ đạo tổ chức quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Mọi biểu hiện xa rời quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đều dẫn đến tổ chức quyền lực nhà nước kém hiệu quả.

Trong chế độ dân chủ và pháp quyền XHCN thì quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của nhà nước mà quyền lực được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Vì quyền lực nhà nước là của nhân dân, nhưng nhân dân lại không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước của mình mà lại giao cho nhà nước, nên tất yếu nảy sinh đòi hỏi chính đáng và tự nhiên phải kiểm soát quyền lực nhà nước.

Mặt khác, khi ủy quyền cho nhà nước, quyền lực nhà nước lại thường vận động theo xu hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu (từ của nhân dân là số đông chuyển thành số ít của một nhóm người hoặc của một người). K.Marx gọi hiện tượng này là sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là giao cho những con người cụ thể thực thi. Không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền.

Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền đối với người được ủy quyền. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm được một cách rạch ròi, vì nó là một thể thống nhất như nói ở trên. Ðiều đó lại càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, mâu thuẫn chồng chéo hoặc trùng lắp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, hạn chế hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực được nhân dân ủy quyền.

Xuất phát từ các đòi hỏi khách quan nói trên, quyền lực nhà nước thường được lượng hóa, phân định thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân định này là để giao cho các cơ quan nhà nước khác nhau, thay mặt nhân dân thực hiện. Sự phân định các quyền như vậy là điều kiện cơ bản để nhân dân giao quyền mà không bị lạm quyền, nhân dân kiểm soát và đánh giá được hiệu lực và hiệu quả thực hiện các quyền mà mình đã giao.

Ðồng thời cũng là để cho các cơ quan tương ứng được giao quyền đề cao trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực nhà nước và tự kiểm tra việc thực hiện quyền lực nhà nước được giao của mình.

Quyền lập pháp là quyền đại diện cho nhân dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được nhân dân trao cho quyền này là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành cơ quan gọi là Quốc hội. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là đại diện cho nhân dân, bảo đảm cho ý chí chung của nhân dân và được thể hiện trong các đạo luật mà mình là cơ quan duy nhất được nhân dân giao quyền biểu quyết thông qua luật.

Quyền biểu quyết thông qua luật là quyền lập pháp, chứ không phải là quyền đưa ra các mô hình xử sự cho xã hội. Vì vậy, quyền lập pháp không đồng nghĩa với quyền làm ra luật. Ðồng thời, là người thay mặt nhân dân giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước, nhất là hoạt động thực hiện quyền hành pháp, để góp phần giúp cho các quyền mà nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước không bị lạm quyền, lộng quyền hay bị tha hóa.

Quyền hành pháp là quyền tổ chức thực hiện ý chí chung của quốc gia do Chính phủ đảm trách. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là quản lý nhà nước mà thực chất là tổ chức thực hiện pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội. Không có một Chính phủ quản lý nhà nước hữu hiệu, thông minh không thể có một nhà nước giàu có, phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội. Thực hiện quyền này đòi hỏi Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải nhanh nhạy, quyết đoán kịp thời và quyền uy tập trung thống nhất.

Quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân dân giao cho tòa án. Ðộc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ chức thực hiện quyền này. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức không được phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Ðây thực chất là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Vì vậy, bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân là trách nhiệm hàng đầu của quyền tư pháp. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của tòa án.

Như vậy, xuất phát từ đặc điểm của quyền lực nhà nước, việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền nói trên là một nhu cầu khách quan, là cách thức tốt nhất để phát huy vai trò của nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù có sự phân công ba quyền nhưng cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không hoàn toàn tách biệt nhau, mà "ràng buộc lẫn nhau", cả ba quyền đều phải phối hợp với nhau, phải hoạt động một cách nhịp nhàng trên cơ sở làm đúng, làm đủ nhiệm vụ và quyền hạn mà nhân dân giao cho mỗi quyền được Hiến pháp quy định. Mục đích của việc phân công quyền lực nhà nước là để nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm cho tính pháp quyền của nhà nước và phát huy dân chủ XHCN, chứ không phải là để thỏa hiệp hay chia rẽ quyền lực nhà nước giữa các quyền.

Ý nghĩa của sự phân công quyền lực nhà nước là để phân định nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, để nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, quyền lực nhà nước ngày càng thật sự là quyền lực của nhân dân.